Trước đó, hôm 23/7, giữa lúc chính quyền Mỹ và Nga còn đang tranh cãi quanh việc cho cựu điệp viên CIA Edward Snowden tị nạn, trang mạng Internet Chronicle đã tung tin việc công dân Mỹ này nắm trong tay tài liệu về một cơn bão mặt trời hủy diệt, có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Để tăng phần giật gân, những người đưa tin này còn tuyên bố tài liệu mà Snowden có được chứng minh rằng từ 14 năm trước, các chuyên gia của CIA đã biết trước sự kiện bão mặt trời này sẽ xảy ra vào tháng 9 này. Thậm chí chính phủ nhiều quốc gia được cho là đã âm thầm chuẩn bị cho một nạn đói tòan cầu sau cơn bão mặt trời tàn khốc.
Tuy vậy đây chỉ là một tin đồn thất thiệt, hay một trò đùa của tác giả bài viết dành cho những người nhẹ dạ, thích tin đồn.
Trước hết, biên tập viên Paul Joseph Watson của trang Infowars chỉ ra rằng, người đọc có thể dễ dàng nhận ra vì sao thông tin này là tưởng tượng nếu họ đọc qua mục giới thiệu của trang tin nêu trên.
Tại đây, Internet Chronicle khẳng định trang web này “không thuộc về trái đất này. Sau khi lao xuống một thiên thạch ngày 30/12/1976, lớp vỏ bọc của người ngoài hành tinh của các biên tập viên Chronicle đã nhanh chóng thích nghi với khí hậu trái đất và hệ vi khuẩn. Họ có thể tồn tại một cách tự nhiên trong thế giới hoang dã và sinh sản tự do…”.
Ngoài ra trang tin này còn đăng những bài viết khác như “Snowden được phong thánh”, “Obama ân xá cho Snowden” hay “Edward Snowden bị máy bay không người lái giết chết tại đại sứ quán Ecuador”. Nhưng đây rõ ràng đều là những thông tin sai sự thật.
Bão Mặt trời là gì? Khi đạt tới năng lượng đủ lớn, gần những vết đen đó xảy ra những vụ nổ lớn gọi là bão lửa Mặt trời. Những cơn bão lửa này giải phóng năng lượng cực lớn, sức công phá của nó tương đương với 1 tỷ quả bom khinh khí (hay bom Hydro). Đi kèm với bão lửa của Mặt trời là những dòng điện tích, phóng xạ - nguyên nhân gây ra những hiện tượng quen thuộc như bão từ (sự tương tác giữa các hạt điện tích Mặt trời với đường cảm ứng từ của Trái đất), cực quang (do sự tương tác giữa các hạt điện tích Mặt trời với từ trường Trái đất). Như vậy, nói đơn giản, bão Mặt trời là một chuỗi các hiện tượng mà sau cùng, những hạt điện tích electron và proton mang năng lượng cao được giải phóng ra từ Mặt trời, di chuyển với vận tốc cực lớn cỡ 1 triệu km/h tới các hành tinh xung quanh. Ảnh hưởng của bão Mặt trời Khi “bão Mặt trời” đổ bộ tới Trái đất, những hạt điện tích của nó di chuyển với tốc độ cỡ 400-700km/s, gây một sức ép cực lớn lên từ trường Trái đất. Quá trình tương tác này gây ra những cơn bão từ lớn trên Trái đất. Người ta xếp bão từ theo các cấp độ từ G1 tới G5 theo mức độ nguy hiểm tăng dần. Mặt khác, các hạt này di chuyển theo đường cảm ứng từ hình xoắn ốc càng đi sâu vào khí quyển nó càng tạo ra những màu sắc khác nhau. Đây chính là bản chất của hiện tượng cực quang mà chúng ta thường thấy trên bầu trời, nhất là ở hai cực Bắc - Nam. Về cơ bản, ảnh hưởng của bão Mặt trời lên Trái đất dễ nhận thấy nhất là sự tác động tới hệ thống thông tin liên lạc nói chung. Bão Mặt trời làm gián đoạn hệ thống liên lạc bằng sóng radio, gây hỏng hóc các vệ tinh địa tĩnh, làm hư hại các sản phẩm công nghệ điện tử, thậm chí gây tê liệt hệ thống điện, nhất là ở các khu vực bão từ Mặt trời đi qua… Có thể kể tới một số minh chứng trong lịch sử loài người về tác động này. Thời cổ đại, người La Mã và Trung Quốc đã có những ghi chép mô tả lại hiện tượng cực quang - một phần của bão Mặt trời. Tới năm 1940, hệ thống điện ở New England, New York, Quebec đều tê liệt bởi ảnh hưởng của bão từ. Mới đây nhất, ngày lễ tình nhân 14/2/2007 ở Trung Quốc đã không suôn sẽ bởi sự viếng thăm của một cơn bão từ nhẹ. Điều này đã làm gián đoạn hệ thống thông tin vô tuyến của nước này trong vài phút. Ngoài ra, từ trường mạnh do bão Mặt trời gây ra còn làm tăng lượng bức xạ mặt trời chiếu xuống Trái đất, đồng nghĩa với việc tia cực tím nhiều hơn, nguy hiểm hơn, làm tăng lên nhiều lần nguy cơ ung thư ở người. Với các sinh vật sống, bão Mặt trời cũng gây ra một số ảnh hưởng nhất định. Nhiều giả thuyết cho rằng, những hiện tượng bất thường như cá, chim chết hàng loạt có một phần nguyên nhân dính dáng tới bão Mặt trời. |
Theo Dân trí/Tri thức trẻ