Bảo mẫu cơ sở mầm non Mầm Xanh: Bạo hành tập thể phải xử nghiêm đúng người, đúng tội

Bảo mẫu cơ sở mầm non Mầm Xanh: Bạo hành tập thể phải xử nghiêm đúng người, đúng tội

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 29/11/2017 20:52

Trẻ em ở cơ sở mầm non Mầm Xanh bị bảo mẫu bạo hành tập thể, ĐBQH cho rằng cần xử lý nghiêm đúng người. Bởi ngay khi chúng ta đang sục sôi, phẫn nộ trước vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ ở mầm non Mầm Xanh, ở đâu đó trên khắp đất nước vẫn đang tồn tại không ít cơ sở như vậy.

Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) vẫn đang là điểm nóng của dư luận. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh nhưng còn đó nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí có dư luận cho rằng, cơ sở mầm non Mầm Xanh được “bảo kê” thành lập và hoạt động.

Tin rằng, những điều này sẽ được làm rõ để trả lời công luận. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh khiến dư luận hết sức quan ngại về sự buông lỏng quản lý với các cơ sở mầm non ngoài công lập. Quan điểm của bà trước sự việc?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Những ngày qua, tôi cũng như mọi người, đang hết sức bàng hoàng, đau xót và “sốc” về một loạt những vụ bạo hành trẻ em. Sự thực là người lớn chúng ta đang mắc nợ những trẻ em bị bạo hành vì đã không tạo cho các em một môi trường sống, môi trường giáo dục an toàn.

Đối với cơ sở mầm non Mầm Xanh, điều khiến mọi người đều cảm thấy phẫn nộ, xót xa chính là việc các em đang bị bạo hành tập thể, diễn ra trong thời gian dài, ở ngay trong môi trường tưởng chừng như an toàn nhất, khiến trẻ tổn thương về cả thể chất và tinh thần. Dù các bảo mẫu có đưa ra lý do trẻ khóc, trẻ hiếu động, trẻ không chịu ăn, hay vì áp lực công việc để đánh đập, dọa nạt thì cũng không thể biện minh được cho những hành vi nhẫn tâm của mình.

Xã hội - Bảo mẫu cơ sở mầm non Mầm Xanh: Bạo hành tập thể phải xử nghiêm đúng người, đúng tội

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa. (Ảnh: Quochoi.vn).

Dù các cơ quan chức năng có khẳng định đã tiến hành kiểm tra chưa lâu khi có dư luận về việc trẻ gửi ở đây bị bạo hành, nhưng "do không có bằng chứng cụ thể nên chưa thể xử lý gì" thì lý lẽ ấy cũng không thể trấn an được sự bức xúc của dư luận về lỗ hổng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em. Vì vậy, vụ bảo mẫu bạo hành trẻ như ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh vẫn có thể tái diễn.

Đáng tiếc đây không phải là lần đầu dư luận dậy sóng vì các vụ bạo hành trẻ em. Cũng như những vụ việc trước đây, sau sự phát hiện của báo chí truyền thông, dư luận xã hội rúng động; các cơ quan chức năng đã vào cuộc, can thiệp theo tinh thần xử lý nhanh, quyết liệt, phối hợp với trách nhiệm cao nhất để điều tra và xử lý vụ việc, có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Nhưng đó đang là cách xử lý nóng, cho từng vụ việc, chưa phải là giải pháp căn cơ. Bởi ngay khi chúng ta đang sục sôi, phẫn nộ trước vụ việc của cơ sở mầm non Mầm Xanh, ở đâu đó trên khắp đất nước có thể vẫn đang tồn tại không ít những cơ sở giáo dục mầm non không an toàn, những bảo mẫu không đúng chuẩn, những đứa trẻ tiếp tục là nạn nhân bị bạo hành.

Tôi nghĩ, trước tình trạng báo động đỏ này, cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ hơn, hành động xử lý mạnh tay hơn, khẩn cấp hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành. Đây không còn là vấn đề chuẩn mực đạo đức nhà giáo, mà đây là hành vi vi phạm pháp luật, là tội cố ý. Do vậy, phải là sự trừng phạt bằng pháp luật một cách kịp thời, nghiêm minh, đúng người đúng tội.

PV: Phải chăng khung hình phạt quá nhẹ nên không đủ tính răn đe (gần 4 năm trước, vụ bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh ở TP.HCM dúi đầu trẻ vào thùng phuy chỉ bị phạt kịch khung là 3 năm tù). Có cần sửa luật, tăng chế tài không, thưa bà?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi đồng ý rằng có nguyên nhân là do hình phạt quá nhẹ nên không đủ tính răn đe. Ở nhiều nước trên thế giới, việc xử lý những giáo viên bạo hành với trẻ em bằng cách đình chỉ công tác, thậm chí là không được theo nghề sư phạm nữa. Nhiều trường hợp ngược đãi, hành hạ trẻ em phải bị xử lý trước pháp luật.

Ở Việt Nam cũng vậy, tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt hành chính (mức phạt tiền 5-10 triệu đồng) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù kịch khung là 3 năm). Như thế là quá nhẹ. Do đó, tôi đồng tình với quan điểm cần sửa luật theo hướng tăng chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chúng ta chưa thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp hiện hành. Các hiện tượng sai phạm vẫn tồn tại nhưng không được phát hiện kịp thời; những hiện tượng bị phát hiện thì cũng không được xử lý nghiêm theo luật định;... Đây mới là nguyên nhân cần được xem xét, chấn chỉnh.

PV: Theo bà, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ trong loại hình mầm non tư thục này?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Khi một vụ việc nào đó xảy ra, chúng ta hay quan tâm tới việc quy trách nhiệm - trách nhiệm của ngành nào đó, cấp nào đó, tập thể hay cá nhân nào đó, nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, sau vụ bảo mẫu bạo hành trẻ dã man ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.HCM) vừa qua, vấn đề này càng được quan tâm.

Cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm hơn trong việc cấp phép cũng như kiểm tra giám sát thường xuyên đối với hoạt động của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn. Những cơ sở nào không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì kiên quyết không cấp phép hoạt động. Nơi nào thực hiện sai thì phải có chế tài xử lý nghiêm và kịp thời đúng người, đúng tội.

Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, người dân trong việc giám sát, phát hiện và kịp thời thông báo sai phạm của cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương; đồng thời có những cơ chế, chính sách để nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của phụ huynh trong việc bảo vệ con mình khỏi bị bạo hành.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đô thị lớn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tư thục phù hợp với điều kiện của người lao động, quan tâm đến con em công nhân, kiểm tra chất lượng các trường, lớp tư thục thường xuyên...

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo giáo viên mầm non; tổ chức các lớp bồi dưỡng về đạo đức, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cho những người làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc, lựa chọn điểm giữ trẻ an toàn để gửi con; theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ, để kịp thời phát hiện, can thiệp sớm khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi.

Chỉ khi nào, các giải pháp trên được thực hiện một cách đồng bộ mới hy vọng hạn chế tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non như cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

PV: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.