Thông tin ban đầu cho biết, công an phường Hiệp Bình Phước đã đề xuất Ban chỉ huy công an quận duyệt chuyển hồ sơ cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý vụ án theo thẩm quyền. Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý, người có hành vi hành hạ trẻ cũng đã bị triệu tập để lấy lời khai.
Để làm rõ hơn về tính chất, mức độ vi phạm trong hành vi của những bảo mẫu này. Phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Anh Dũng, giám đốc công ty luật Đại Phúc.
PV: Thưa ông, qua theo dõi clip trên báo, ông đánh giá thế nào về những hành vi của các bảo mẫu đối với các cháu bé mầm non.
Phải thẳng thắn rằng những hành vi hành hạ trẻ em như thế là hành động tội ác. Các bảo mẫu với bổn phận của mình đáng lẽ ra phải có những tình cảm yêu thương đối với các cháu nhỏ, không phải chỉ vì cha mẹ các cháu đã bỏ tiền ra thuê họ trông giữ, chăm sóc các cháu mà còn là tình người, là trách nhiệm đối với trẻ em đã được quy định cụ thể trong Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng như Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Thế nhưng, hành vi của các bảo mẫu lại có những hành động mà theo tôi là dã man và nó thực sự là cú sốc mạnh đối với cộng đồng.
Hành vi này vừa vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm nghề nghiệp vừa có dấu hiệu vi phạm hình sự. Dù ở khía cạnh nào, dù vì động cơ, mục đích nào thì hành động của cô giáo mầm non như vậy đều không thể chấp nhận được.
PV: Thưa luật sư, vậy hành vi của các bảo mẫu vi phạm tội danh nào của bộ luật hình sự và mức án cho tội danh này ra sao?
Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định rõ: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật hoặc phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Ở đây mối quan hệ giữa trẻ em và người trông, giữ trẻ là quan hệ phụ thuộc, đặc biệt là các bé còn chưa có khả năng nhận thức, phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của cô giáo. Mặt khác đối tượng bị xâm phạm là những trẻ em còn rất nhỏ tuổi, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo hộ.
Do đó, có đủ dấu hiệu để khởi tố những bảo mẫu này theo khoản 2, điều 110, các bảo mẫu có thể đối mặt với mức án lên đến 3 năm tù cho hành vi phạm tội của mình.
Về quan điểm cá nhân của mình, tôi nghĩ cần phải làm mạnh tay, dứt điểm nhằm răn đe, làm gương cho người khác. Những hành vi này thực sự là rất méo mó và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của những người làm thầy, làm cô, ảnh hưởng đến nghề giáo viên mầm non.
PV: Vâng, rất cảm ơn luật sư!
Ở một diễn biến khác, chiều 17/12, Quận ủy, UBND quận Thủ Đức và các ban ngành liên quan đã họp để giải quyết vụ đày đọa trẻ mầm non xảy ra tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh.
Theo quan điểm của ông Trương Văn Thống - bí thư Quận ủy Thủ Đức (TP.HCM), trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử thì nên cho xét xử lưu động và mời hết các nhóm trẻ gia đình có phép tham dự để răn đe, giáo dục.
Cuối giờ chiều 17/12, đại tá Nguyễn Hữu Toàn, trưởng Công an quận Thủ Đức cho biết vừa ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ phường 9, quận 8) và Nguyễn Lê Thiên Lý (18 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) về hành vi “Hành hạ người khác”.
Điều 110. Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người. |
Hình ảnh đời thường của các bảo mẫu bạo hành bé mầm non
Băng Tâm