Dự báo thời điểm bão Kristine tiến vào Biển Đông
Cơ quan khí tượng của Philippines (PAGASA) phát thông báo lúc 11h sáng 21/10 cho hay, bão Kristine vẫn duy trì cường độ khi di chuyển về phía tây nam trên Biển Philippines.
Trong bản tin bão nêu rõ, sáng 21/10, Kristine cách Đông Visayas của Philippines khoảng 870km về phía đông. Kristine đang di chuyển về phía tây nam với tốc độ 30 km/h. Hệ thống này đang có sức gió duy trì mạnh nhất 55 km/h ở gần tâm và gió giật lên tới 70 km/h.
Dự báo đường đi, cường độ của bão Kristine do PAGASA đưa ra cho biết, hệ thống này dự kiến di chuyển về phía tây đến sáng 22/10 trước khi chuyển hướng tây bắc sang tây tây bắc từ chiều 22/10 cho đến hết thời gian dự báo. Cơn bão mới nhất gần Biển Đông dự kiến đổ bộ Bắc Luzon ngày 25/10.
PAGASA dự báo, Kristine mạnh lên thành bão nhiệt đới trong 12 giờ tới và có thể tăng cấp lên bão mạnh dữ dội vào 23/10, sau đó đạt cấp bão cuồng phong tối 24/10 hoặc sáng 25/10 trước khi đổ bộ vào đông bắc Cagayan.
Hiện bão nhiệt đới Kristine vẫn đang trên Biển Philippines, nên có khả năng bão sẽ mạnh hơn nữa bởi điều kiện thời tiết rất thuận lợi: Nhiệt độ nước biển cao và gió đứt thấp.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng sẽ có thay đổi trong đường đi của bão Kristine, phụ thuộc vào chuyển động của các hệ thống thời tiết trong những ngày tới.
Các nhà dự báo bão của PAGASA dự đoán, khoảng ngày 25/10, dự báo bão cuồng phong Kristine ở trong vùng lân cận Penablanca, Cagayan. Tới ngày 26/10, lúc 8h sáng, cơn bão đã chuyển hướng về phía Biển Đông, cách thành phố Laoag, Ilocos Norte khoảng 170 km về phía tây tây bắc.
Bên cạnh đó, theo dự báo bão của JTWC nêu rõ, Kristine dự kiến đạt cường độ bão cuồng phong trước khi đến Luzon. Các nhà dự báo JTWC cho rằng, bão Kristine sẽ đổ bộ vào bờ biển phía đông Luzon, Philippines trong khoảng 84 giờ, sau đó di chuyển tới bờ biển phía tây Luzon và đi vào phía bắc của Biển Đông ở cuối giai đoạn dự báo.
Người dân và du khách tại khu vực bị ảnh hưởng nêu trên được khuyến cáo nên cẩn trọng, vì cơn bão nhiệt đới có thể có tác động nhỏ đến trung bình đối với tính mạng và tài sản trong điều kiện thời tiết này.
Thời tiết nguy hiểm trên biển
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, ở vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7.
Vùng biển phía nam khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực phía nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác.
Đáng chú ý ngày và đêm 21/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, phía đông có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao 2,5 - 4,5m.
Vùng biển phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực phía nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan dự báo có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 22/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 - 4m.
Đêm 22/10, Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và vùng biển phía bắc của khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 3,5m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Từ ngày 23 - 25/10 trên khu vực Biển Đông khả năng có hoạt động của áp thấp nhiệt đới hoặc bão.
Số cơn bão trong 2 tháng cuối năm
Đại diện cơ quan khí tượng cho biết, số cơn bão trong 2 tháng cuối năm ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay: Từ tháng 11/2024 - 1/2025, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo số liệu trung bình nhiều năm trong thời kì dự báo, trên Biển Đông có 2,8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào đất liền khoảng 1,1 cơn.
Trúc Chi (t/h)