Đừng dồn Nga đến chân tường
Mỹ và các đồng minh NATO gần đây tiếp tục bị chỉ trích là tìm cách dồn ép Nga đến đường cùng, bất chấp việc Moscow luôn thể hiện lập trường muốn giữ hòa khí với phương Tây - chuyên gia cao cấp về nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại Ted Galen Carpenter từ viện Cato, viết trên tạp chí National Interest.
Động thái có tính chất khiêu khích gần đây nhất đến từ Na Uy, quốc gia đang yêu cầu triển khai gấp đôi số lượng lính Mỹ đóng quân trên lãnh thổ và thậm chí tiến sát gần biên giới với Nga hơn trước.
Sự hiện diện quân sự ở Na Uy không phải quá lớn khi có 330 nhân viên quân sự Mỹ đang “luân phiên” đồn trú tại quốc gia này và với yêu cầu mới của Oslo, số lượng sẽ tăng lên 700.
Tuy nhiên, theo ý muốn của Chính phủ Na Uy, lực lượng mới sẽ được đóng quân xa hơn về phía Bắc, cách biên giới Nga chỉ khoảng 420km, trái ngược với các đơn vị hiện tại đang nằm ở trung tâm của đất nước, cách lãnh thổ Nga khá xa.
Những động thái gần đây của Na Uy trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự nước ngoài dường như đã đi ngược lại cam kết đối với Moscow vào năm 1949 - thời điểm nước này mới gia nhập NATO - trong đó chỉ rõ rằng Oslo sẽ không cho phép các căn cứ của Mỹ đặt trên lãnh thổ của mình.
Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Ine Marie Eriksen Soriede đã nhấn mạnh rằng yêu cầu tăng cường sự hiện diện của quân Mỹ không đồng nghĩa với việc nước này đi ngược cam kết cho phép căn cứ của Mỹ đặt trên đất Na Uy, khi trên lý thuyết đây chỉ là sự hiện diện “luân phiên”, tạm thời.
Dẫu vậy, tuyên bố này khiến không ít người hoài nghi, mà trong đó ít nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin và tất cả các cộng sự của ông ở Điện Kremlin.
Các quan chức Na Uy cũng khăng khăng rằng việc triển khai lực lượng mới không phải là “hành động gây hấn” với Nga. Nhưng trên thực tế, sự đảm bảo này chẳng khiến ai tin nổi về sự ngẫu nhiên của nó.
Yêu cầu của Oslo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 9 quốc gia dọc theo sườn Đông của NATO, bao gồm Ba Lan, các nước cộng hòa Baltic và Romania kêu gọi sự hiện diện quân sự lớn hơn của Liên minh (phần lớn là lực lượng Mỹ) triển khai trong khu vực lãnh thổ của họ.
Ngoài việc thúc đẩy về số lượng quân lực Mỹ ở Na Uy, cuộc tập trận quân sự lớn của NATO có tên mã là Trident Juncture 18 cũng được lên lịch vào tháng 10 tới đây. Trọng tâm của những bài tập sẽ tập trung vào miền Trung và miền Bắc Na Uy, với sự tham gia của 35.000 quân, 70 tàu, và 130 máy bay.
Bất chấp một hành động quân sự quy mô lớn được triển khai sát sườn Nga, Ngoại trưởng Soriede vẫn khẳng định rằng bà không thấy "bất kỳ lý do nghiêm trọng nào để Nga phải phản ứng" với đề xuất của Oslo về sự hiện diện quân sự được tăng cường bởi Mỹ.
Bản chất “không trung thực” của NATO
Chuyên gia Carpenter phân tích, một tuyên bố theo kiểu “xanh rờn” như vậy vẫn luôn là bản chất lâu đời của NATO đối với Moscow trong quá khứ.
Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, các quan chức phương Tây vẫn thường xuyên nhấn mạnh Liên minh của họ không hề đi theo định hướng chống lại Liên Xô, dù hành động thì không khác gì một hình thức gây chiến.
Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc thẳng thắn hơn, phương Tây thừa nhận rõ ràng rằng NATO là một cơ chế quân sự đủ tốt để đáp ứng trước sức mạnh của Liên Xô.
Lord Hastings Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của NATO, nói rằng liên minh quân sự này được tạo ra để "ngăn Liên Xô, giữ người Mỹ và đả bại người Đức". Nhưng trên thực tế, mục tiêu đầu tiên dường như mới là quan trọng nhất.
Việc ngăn chặn Liên Xô mang ý nghĩa là để cho các nền dân chủ châu Âu không bị rơi vào quỹ đạo địa chính trị của Moscow và NATO là một thành phần quan trọng trong chiến lược này.
Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây lại tiếp tục áp dụng mô hình cũ kỹ đó cho một nước Nga không còn là nhà nước xã hội chủ nghĩa sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Thậm chí, họ còn tăng cường thêm mục đích ngăn chặn bằng cách kết nạp các thành viên mới trên khắp Đông Âu và mở rộng Liên minh đến sát biên giới nước Nga.
Những hành động này được thực hiện bất chấp sự đảm bảo bằng lời hứa của cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker và cựu Ngoại trưởng Tây Đức Hans-Dietrich Genscher tại thời điểm thống nhất nước Đức rằng: NATO sẽ không mở rộng ra ngoài biên giới Đông Đức.
Trong suốt quá trình mở rộng ảnh hưởng liên tục của NATO về phía Đông, các quan chức phương Tây vẫn tiếp tục “điệp khúc”: Việc mở rộng NATO không được nhắm vào Nga.
Không những thế, một số thành viên của cộng đồng chính sách đối ngoại phương Tây đã lập luận rằng động thái này sẽ mang lại lợi ích cho Nga bằng cách xóa bỏ các đường phân chia Chiến tranh Lạnh và tăng sự ổn định về chính trị và kinh tế của Đông Âu.
“Công chúng luôn tự hỏi liệu phương Tây có nghĩ rằng người Nga sẽ tin vào những lập luận ngớ ngẩn như vậy hay không…”, chuyên gia Ted Galen Carpenter nhấn mạnh.
Tiềm ẩn đối đầu thảm khốc?
Các nhà lãnh đạo NATO tiếp tục khẳng định rằng Liên minh của họ không có ý định chống lại Nga hay tìm cách làm suy yếu lợi ích của Moscow.
Nhưng hành vi của NATO lại không hề giống như những gì họ nói. Trong đó, sự can thiệp ở Bosnia và Kosovo để làm suy yếu Serbia, một đồng minh lâu đời của Nga, chắc chắn không phải là một hành động thiện chí.
Lực lượng của NATO được triển khai rốt ráo ở các nước thành viên cực Đông của liên minh kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, cũng không khác gì hành vi khiêu khích.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây lại tuyên bố như thể Moscow không có lý do chính đáng nào để phản ứng tiêu cực với những động thái như vậy, giống như Ngoại trưởng Soriede tuyên bố rõ ràng về đề xuất tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia của mình.
NATO đã tiến hành một số cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Ba Lan và các nước thành viên khác, cũng như các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đen gần căn cứ hải quân quan trọng của Nga ở Sevastopol.
Một lần nữa, người Nga vẫn bị chỉ trích là “lo xa” và có suy nghĩ “sai lầm” khi xem đó là những hành động như khiêu khích và đe dọa.
Theo chuyên gia Ted Galen Carpenter, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO cần phải áp dụng một thái độ thực tế hơn. Bất kỳ quốc gia nào đặt vào vị trí của Nga cũng sẽ coi hành vi của NATO là không thân thiện, và thậm chí đe dọa, đặc biệt là các hành vi tiến hành trên biên giới.
Tiếp tục hành động như vậy trong khi phủ nhận ý định thù địch của mình có thể khiến NATO dễ dàng dẫn đến các tính toán sai lầm và đi tới một cuộc đối đầu thảm khốc.
Là một bước đầu tiên hướng tới mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow, chính quyền Tổng thống Donald Trump nên từ chối yêu cầu không cần thiết của Na Uy trong việc tăng cường lực lượng Mỹ ở quốc gia này.