Một điều rõ ràng là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có nhiều động thái nhằm thiết lập mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Putin. Ông Trump khẳng định rõ rằng ông sẽ gây dựng mối quan hệ tốt với Nga kèm theo lời hứa sẽ hợp tác với Nga và biến một nước vốn là “kẻ thù” cũ thành đồng minh mới trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố cũng như các mối đe dọa toàn cầu khác.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà bình luận hàng đầu của tạp chí Forbes, Paul Roderick Gregory, khả năng dẫn đến thành công trong đàm phán giữa ông Donald Trump và ông Putin "gần như bằng không" vì nhiều lý do.
Trước hết, theo chuyên gia này, chính sách của ông Putin luôn đặt ra những đối đầu sống còn với Mỹ trong khi ông Trump vẫn mơ hồ với những “triết lý đẹp đẽ” như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm lần nữa”. Và nếu ông Trump không thể có được sự nhượng bộ của Nga ở Crimea, Donbass, hay Trung Đông thì hình ảnh của ông như "bậc thầy giao dịch" sẽ bị phá hủy.
Bài báo nhận định nếu ông Trump chọn cách đối đầu với ông Putin thì có lẽ Tổng thống đắc cử Mỹ phải hiểu câu mà Thủ tướng Đức Merkel mô tả về người đứng đầu điện Kremlin: “Thế giới song song”. Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào ông Putin đều đấu tranh đến cùng cho sự sống còn của đất nước và bản thân.
Ông Trump từng tuyên bố rằng mối quan tâm chung của Mỹ và Nga về cuộc chiến chống lại "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) sẽ tạo nền tảng cho việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, điểm chung đâu chưa thấy, mà thậm chí mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn thẳng thừng đưa ra tuyên bố đầy thất vọng rằng: Nga "đã không làm gì để chống lại IS".
"Họ đã không làm bất cứ điều gì. Họ đến và họ nói rằng sẽ chiến đấu chống IS và giúp đỡ trong cuộc nội chiến Syria. Nhưng họ đã không thực hiện cả hai điều này. Hệ quả tất nhiên là chúng tôi tự mình phải chống IS, còn thành tích của Nga là "bằng không" ở Syria", ông Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" trên kênh NBC mới đây.
Nhà bình luận của Forbes đặt ra nghi ngờ về việc cuộc chiến chống IS có thể trở thành cơ sở cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. "Nga đã trải qua 8 cuộc tấn công từ phía tổ chức khủng bố Hồi giáo, dẫn đến hậu quả làm chết 708 người, mà phần lớn họ ở các vùng xâu xa", ông Gregory cho biết.
Nhà bình luận Paul Roderick Gregory cũng không chắc chắn về những hy vọng của thỏa thuận giữa Nga và Mỹ theo hướng Trung Đông, bởi thực tế Iran, nước bị cáo buộc là "kẻ ủng hộ lớn nhất thế giới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế" là một đồng minh của Nga. Iran và Nga vốn có quan hệ thương mại chặt chẽ. Và thêm nữa, Nga cũng chẳng mặn mà gì với việc "giúp châu Âu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn".
Về vấn đề Crimea, nhà bình luận của Forbes nhấn mạnh rằng, chắc chắn Nga "sẽ không bỏ cuộc" và "sẽ không chấp nhận cách giải quyết hòa bình cho các cuộc xung đột ở phía đông của Ukraine". Nga sẽ đưa ra yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy việc "các thiết bị quân sự và binh lính sẽ được rút về biên giới Nga".
Điện Kremlin từng đưa ra tuyên bố rằng cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ đều có cách tiếp cận tương đồng về chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà bình luận Roderick Gregory, rất có thể thỏa thuận giữa ông Trump và người đứng đầu nhà nước Nga sẽ thất bại. "Nước Nga sẽ không thể là một người bạn của Mỹ", ông Roderick Gregory nhận định. Nếu ông Trump muốn đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại thì phải xem Nga ở thế đối đầu.
Mỹ cần coi chính quyền Nga với tư cách là "kẻ đối đầu", và người đứng đầu mới của Nhà Trắng cần phải "đối phó tốt đẹp" với Nga mới mong "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Roderick Gregory kết luận.
Xem thêm >> Ông Trump sẽ biến ước mơ xoay trục sang châu Á thành hiện thực?
Đào Vũ