Các thành viên NATO định triển khai ở gần biên giới Nga khoảng 4.000 binh sĩ, và khi cần, sẽ kết hợp với lực lượng phản ứng nhanh với 40.000 quân, tác giả bài báo viết.
Các nhóm quân hỗ trợ từ Pháp, Đan Mạch và Anh được điều tới Estonia 800 lính và được trang bị đầy đủ thiết bị quân sự. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ sau sụp đổ của chế độ Quốc xã, Đức cũng cam kết gửi quân đến vùng biên giới với Nga.
Đồng thời, 330 lính từ Mỹ được quyết định điều động đến Na Uy, nước chưa từng tham gia vào những sự kiện tương tự, thậm chí cả trong những thời điểm căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh, tờ báo nhấn mạnh.
Lãnh đạo của NATO nhiều lần nói rằng "một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của liên minh đều sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên NATO."
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ "tấn công" ở đây là như thế nào. Bài báo nhận định, không có tín hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang với một quốc gia láng giềng. Kết quả của "các biện pháp phòng thủ" biến thành một sự leo thang mạnh đơn phương từ NATO, tác giả bài viết cho biết.
Hãng tin CNN tuần trước vừa đăng bài viết cho rằng, với việc Mỹ và Nga đang tham gia vào điều mà một số người gọi là cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khoảng 900 binh sĩ Mỹ sẽ chuẩn bị đối mặt với mặt trận nguy hiểm nhất.
Mỹ và NATO đã khẳng định trong tuần trước rằng Mỹ sẽ dẫn đầu một tiểu đoàn đa quốc gia ở Đông Bắc Ba Lan bắt đầu vào tháng 4/2017, một vị trí chiến lược quan trọng có thể sẽ đặt họ ở trung tâm của các cuộc đối đầu với nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang giữa NATO và Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter phát biểu với các phóng viên hôm 26/10 rằng ̣lính Mỹ sẽ có trụ sở tại thị trấn Orzysz, Ba Lan mà theo các nhà phân tích quân sự, thị trấn đó chỉ cách vài km từ mục tiêu mà Nga có khả năng thực hiện cuộc tấn công chống lại NATO.
Ông Carter đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels. Ông đã gọi đơn vị này là "lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu".
Nga lập tức chỉ trích động thái trên của Mỹ.
Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko, đã gọi việc triển khai này là "kế hoạch xây dựng quân sự để đối đầu trong những khu vực dọc biên giới Nga" và đe dọa trả đũa.
"Các nước NATO hiểu rằng những hành động này sẽ không thể không dẫn đến sự đáp trả từ phía chúng tôi", ông cho biết.
Hơn một nửa người Nga lo sợ chiến tranh thế giới thứ ba
Sự căng thẳng trong mối quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khiến nhiều người dân Nga lo ngại.
Theo số liệu từ cuộc thăm dò do Levada-Center thực hiện, gần một nửa người Nga lo sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột ở Syria có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba.
Nga, một đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, đã tiến hành nhiều cuộc ném bom vào Syria kể từ tháng 9/2015.
Theo cuộc thăm dò, 48% người Nga nói rằng họ sợ “những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể phát triển thành cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, trong khi đó 42% người nói họ không quan tâm đến kịch bản này.
Những cuộc không kích của Nga vào Syria đã ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế, hình ảnh của nước này trên thế giới, 32% người cho biết như vậy.
Tuy nhiên, 52% người Nga nói rằng họ ủng hộ cho những cuộc không kích của Nga, trong khi đó 26% nói họ phản đối.
Trả lời cho câu hỏi về việc Nga có nên tiếp tục “can thiệp vào những điều đang diễn ra ở Syria” hay không, 49% người nói rằng là nên và chỉ có 28% nói không nên.
35% số người được hỏi tin rằng, Nga và phương Tây sẽ có thể tìm thấy tiếng nói chung trong việc giải quyết tình hình ở Syria. 39% người được hỏi cho rằng: Điều này sẽ không thể đạt được.
Mỹ Anh