Hôm 12/4, tờ báo tiếng Nga Nezavisimaya Gazeta đưa tin, 36 tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ phóng vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hôm 6/4 có thể đã bị đánh chặn bởi các chiến đấu cơ của Moscow.
Nhiều khả năng tên lửa của Lầu Năm Góc đã bị bắn bởi Sukhoi-35S và Sukhoi-30 SM, những loại tiêm kích có khả năng đánh chặn và tiêu diệt Tomahawk.
Tờ báo Nga cũng khẳng định, hải quân Mỹ dự định chỉ phóng 36 tên lửa từ tàu khu trục Ross, nhưng sau đó chúng bị không quân Nga đánh chặn nên phải chuyển giao nhiệm vụ sang cho tàu khu trục Porter, phóng 23 quả tên lửa khác tới căn cứ Shayrat trong lúc chiến đấu cơ của Nga đang trở về các căn cứ.
Thêm vào đó, tờ báo này cũng đưa ra phỏng đoán rằng, tên lửa Mỹ cũng có thể bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-300 hoặc S-400 của Nga đang có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ quân sự Tartus và Hmeimim tại Syria.
Thông báo của bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, chỉ có 23 quả tên lửa Tomahawk bắn trúng mục tiêu. Sáu chiếc MiG-23 đang nằm trong hầm chứa bị phá hủy cùng 2 khẩu đội súng phòng không và khu vực chứa nhiên liệu. Sáu binh sĩ Syria cùng hàng chục người dân đã thương vong.
Trong khi đó, quân đội Mỹ lại khẳng định, chiến dịch phóng tên lửa vào căn cứ Syria đã thành công “trăm phần trăm” khi có tới 58 trên 59 tên lửa được phóng đi bắn trúng mục tiêu.
Tuyên bố của cả phía Nga và Mỹ đều khó có căn cứ để kiểm chứng, có thể chỉ có bộ Quốc phòng của hai nước mới nắm rõ thông tin này.
Cuối ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo tiến hành một đợt phóng tên lửa nhằm vào căn cứ Shayrat của quân đội Syria. Lầu Năm Góc khẳng định động thái này là phản ứng của Washington với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib mà Mỹ cáo buộc chính phủ Syria có dính líu.
Ngay sau đó, cả Nga và Syria đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trên. Riêng Moscow khẳng định, họ sẵn sàng đưa các chuyên gia quốc tế tới Syria và phối hợp cùng các nước khác điều tra về vụ tấn công bằng khí độc hóa học.
Giới quan sát nhận định, hành động của ông Trump có thể nhằm hướng sự tập trung của dư luận ra khỏi các vấn đề nội bộ chính trị vẫn rối ren. Đồng thời, chính quyền ông Trump muốn chứng minh vị thế của nước Mỹ trên bản đồ thế giới, khẳng định sức mạnh quân sự trong khu vực và giảm sức ảnh hưởng của Nga tại chiến trường Trung Đông.
Xem thêm: Nhật Bản cùng Mỹ đưa tàu chiến tới gần Triều Tiên: Mang xăng dập lửa
Danh Tuyên