Có một vài nguyên nhân khiến Washington áp đặt lệnh trừng phạt chính trị mới đối với Moscow trong tuần này, tuy nhiên chuyên gia phân tích Danielle Ryan của tờ RT (Nga) cho rằng có vẻ như những lý do này không hẳn đều liên quan đến cáo buộc của Mỹ về cái gọi là "Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ".
Lấy lại thể diện cho đảng Dân chủ
Đảng của Tổng thống Barack Obama đã cáo buộc phía Nga "hack" vào hệ thống email nội bộ, tung ra các email nhạy cảm nhằm phá hoại uy tín của bà Hillary Clinton từ trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra.
Đảng Dân chủ hoàn toàn có ý định đổ lỗi cho Nga nếu cuộc bầu cử đi theo hướng có lợi cho ông Donald Trump - và khi kết quả cuối cùng với chiến thắng dành cho nhà tỷ phú, những lời chỉ trích trở nên gay gắt hơn với việc chỉ đích danh Tổng thống Putin là người đứng đằng sau thất bại của bà Hillary Clinton.
Nhiều cử tri ủng hộ bà Clinton một mực cho rằng nhóm hacker do điện Kremlin hậu thuẫn ở Vladivostok đã "đánh cắp" cuộc bầu cử của họ.
Danielle Ryan chỉ ra rằng nguyên do khiến Nga trở thành thủ phạm bất đắc dĩ như vậy là bởi cử tri chỉ "tin vào những gì đảng Dân chủ nói, bởi cơ quan tình báo trong nước và các phương tiện truyền thông nói ra rả thời gian qua".
Cảm giác bị tổn thương sau khi thua cuộc trong cuộc bầu cử chỉ có thể khắc phục bằng cách "đổ lỗi cho bên ngoài mà không quy trách nhiệm cho ứng cử viên và chiến dịch tranh cử của họ".
Về cơ bản Washington chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy có sự nhúng tay của Moscow ngoài những báo cáo từ các cơ quan tình báo.
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng vì sao Tổng thống Obama trước khi đưa ra quyết định trừng phạt đã không điều tra theo nhiều hướng khác, vì ngoài hoạt động tin tặc từ bên ngoài, đây có thể là rò rỉ trong nội bộ.
Nỗ lực cuối cùng để ngăn Tổng thống đắc cử Trump tiến gần với Nga
Vẫn còn sớm để nói về "hiệu ứng Trump" sẽ đưa quan hệ Mỹ-Nga trở nên gần gũi, nhưng chính quyền hiện tại đang làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo những tuyên bố của ông Trump không thể trở thành sự thật.
"Thật đáng buồn", Danielle Ryan viết trên RT, bởi sau 8 năm quan hệ Nga-Mỹ diễn ra giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và đầy rẫy nguy cơ xung đột, chắc chắn cải thiện quan hệ cần phải được ưu tiên hàng đầu.
Nhưng thay vào đó, chính quyền Obama dường như có ý định cố gắng thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng, người Nga thực sự là quốc gia tồi tệ và chỉ bằng các biện pháp mạnh tay mới phù hợp với điện Kremlin.
Tổng thống Obama đã dành hơn một tháng sau cuộc bầu cử chỉ để thuyết phục Donald Trump "thừa nhận" rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử và lưu ý nhà tỷ phú khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình cần phải cẩn trọng với Moscow.
Với việc những cáo buộc nói trên liên quan đến chiến thắng của mình, ông Trump đã có những quan điểm riêng trên trang Twitter cá nhân về những gì gọi là "Tổng thống Putin đánh cắp cuộc bầu cử", nhưng theo chiều hướng thận trọng.
Ông cũng đồng ý gặp gỡ các quan chức của cộng đồng tình báo Mỹ vào tuần tới để được "cập nhật về chi tiết" vụ việc, dù trước đó Trump cho thấy ông không mặn mà gì với việc đọc các báo cáo hàng ngày dành cho tổng thống.
Hành động đáp trả về vấn đề Syria
Không phải ngẫu nhiên khi các biện pháp trừng phạt được Mỹ tuyên bố ngay sau khi lệnh ngừng bắn mới vừa được các bên thiết lập tại Syria. Lệnh ngừng bắn mới nhất được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trong một cuộc đàm phán mà Mỹ đã không được mời tham dự.
Thực tế việc Mỹ bị loại ra khỏi cuộc đàm phán ngừng bắn mới nhất là lời nhắc nhở cho chính quyền Obama rằng Syria là góc thất bại của họ trên sân khấu toàn cầu. "Một sự thật không mấy dễ chịu dành cho Washington", nhà phân tích Danielle Ryan nói.
Một sự hiện diện của Mỹ ở bàn đàm phán lần này là không thích hợp bởi chỉ 3 tuần tới, dự kiến ông Trump sẽ bắt đầu một cách tiếp cận rất khác so với chính quyền cũ.
Một năm trước, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ một máy bay của Nga ở Syria, quan hệ Nga-Thổ "gần như đã chết", đến mức không ai nghĩ rằng nó nhanh chóng hồi sinh như hiện tại.
Nếu Moscow và Ankara tiếp tục giữ tình trạng u ám đó cho đến bây giờ, chắc chắn Mỹ có thể nghĩ ra những giải pháp "tốt hơn" để giải quyết vấn đề của mình hơn là trục xuất vài chục nhà ngoại giao ra khỏi New York và Maryland.
Điện Kremlin gọi biện pháp trừng phạt mới nhất là "không thể đoán trước và gây hấn". Thực tế Nga cũng không hoàn toàn bất ngờ với điều này. Bởi lựa chọn "chấp nhận hoặc bị phạt" là cách tiếp cận thường thấy trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
"Khi bạn cảm thấy việc đổ lỗi cho các quan chức ngoại giao thay vì ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn giữa hai chính phủ là điều phù hợp thì việc trục xuất của Mỹ là điều không quá ngạc nhiên", chuyên gia Danielle Ryan nêu quan điểm.
Với động thái trừng phạt đối với các buộc tấn công mạng dù chưa có bằng chứng lần này, Mỹ sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, Danielle Ryan nói thêm.
Trong tương lai CIA có thể tiếp tục khiếu nại thêm nhiều vấn đề khác theo kiểu không có bằng chứng như hiện tại. Nga sẽ mặc nhiên là bên có tội, và sẽ không có bất kỳ ai, ngay cả các phương tiện truyền thông, hoài nghi về tính xác thực của những cáo buộc.
Sau đó, Nhà Trắng tiếp tục áp đặt bất cứ loại biện pháp trừng phạt chính trị nào tùy thích theo hướng "trả đũa".
Năm 2017 là thời điểm các cuộc bầu cử châu Âu bắt đầu diễn ra, Tổng thống Putin đang giành được nhiều thiện cảm từ các cử tri cánh hữu ở Pháp và Đức.
Với khả năng chiến thắng của phong trào dân túy đang lên cao, không ai nói trước được rằng, biết đâu CIA cùng các chính phủ hiện tại ở châu Âu sẽ lại phàn nàn về cái gọi là "sự can thiệp của Nga" một khi những cuộc bầu cử không đi theo ý họ.
Đọc thêm>>> Bí mật bên trong đế chế tỷ đô của Donald Trump
Quốc Vinh