Sau vụ việc hệ thống email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bị chiếm đoạt dữ liệu, bà Hillary Clinton đã đăng đàn cáo buộc Nga là quốc gia đứng đằng sau hành động này để điều hướng cuộc bầu cử Mỹ theo chiều hướng có lợi.
Cụm từ "sự can thiệp của Nga" đã được nhắc đến không ngừng trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ, bất chấp cho đến hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự nhúng tay của Moscow.
Đồng hành với bà Clinton trong việc "tố cáo âm mưu của Nga" là nhiều quan chức cao cấp khác, cùng với tình báo Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI). Phản ứng của ứng viên đảng Dân chủ và chính quyền Mỹ cho thấy hành động can thiệp vào quyền bầu cử và tiếng nói của người dân được coi là hành động không thể chấp nhận.
Tuy nhiên tờ Russia Today của Nga đã bất ngờ đáp trả bằng việc khui lại một số tuyên bố từ năm 2006 của bà Clinton, trong đó chính bà là người từng ủng hộ việc can thiệp bầu cử đối với quốc gia khác.
Nói trước các phóng viên của tờ Jewish Press trong thời gian vận động cho vị trí thượng nghị sĩ New York, bà Clinton đã thẳng thắn chia sẻ rằng cần phải có gian lận trong các cuộc bầu cử ở nước ngoài, và quốc gia được bà nhắc tới trong thời điểm này là Palestine.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã tác động được vào cuộc bầu cử tại Palestine. Đó là một sai lầm lớn. Nếu Mỹ đã giúp thúc đẩy một cuộc bầu cử diễn ra, cần phải chắc chắn rằng chúng ta đã làm một điều gì đó để xác định ai sẽ là người giành chiến thắng", bà Clinton nói với các nhà báo Mỹ.
Thời điểm này bà Clinton đã đề nghị chính quyền Mỹ nên đảm bảo một kết quả bầu cử ở Palestine đi theo hướng có lợi cho mình.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Palestine lần thứ hai trong năm 2006, nhóm Fatah (Phong trào giải phóng Palestine) do Mỹ hậu thuẫn đã thua nhóm cực đoan Hamas khi giành được lần lượt là 45 và 74 ghế.
Từ những tiết lộ mới này, tờ Russia Today đã chỉ trích truyền thông Mỹ cố tình làm lờ đi những phát biểu trong quá khứ của bà Clinton, do ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ hơn ông Donald Trump.
Sau cuộc họp báo với bà Hillary Clinton khi đó, nhà báo Eli Chomsky nói với tờ Observer rằng ông đã rất ngạc nhiên khi "một chính khách quốc gia lại ủng hộ việc tác động đến cuộc bầu cử ở nước ngoài".
Trong khi đó, người đứng đầu tờ Jewish Press lúc bấy giờ cảm thấy phát biểu này "không đáng đưa tin" nên mọi thứ đã không được truyền đi ngay lúc đó trên mặt báo.
Ông cũng thừa nhận không muốn xúc phạm bà Clinton trong thời điểm nhạy cảm như vậy nên 10 năm sau đoạn băng ghi lại lời phát biểu mới được công khai.
Ngoài ra, tờ Observer còn lưu ý một chi tiết đặc biệt trong lúc bà Clinton trả lời một câu hỏi về "kẻ thù của người Mỹ". Theo đó bà Clinton của năm 2006 có vẻ giống như Donald Trump của năm 2016 khi có một sự thân thiện hơn đối với Nga.
"Mỹ và Liên Xô (Nga sau này) luôn bất đồng nhau nhưng chúng tôi không bao giờ muốn đối phó với họ. Bạn sẽ phải mất rất nhiều thứ nếu muốn đánh bại được họ".
Điều này được cho khác xa so với quan điểm hiện tại khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cho thấy mình là một nhân vật chống Nga kịch liệt.
Quốc Vinh