Hãng tin Sputnik ngày 22/3 đưa tin cho hay, Nga sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc đóng tàu tên lửa Molniya mới theo đề án 12418 (mã hiệu "Molniya") với hệ thống tên lửa "Uran-E" nếu được yêu cầu.
Tuyên bố trên được Viktor Kladov, Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn Nhà nước Rostec, Trưởng đoàn doanh nhân của tập đoàn này và "Rosoboronexport", đưa ra tại Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về trang thiết bị hải quân và không quân-vũ trụ LIMA-2017.
"Tôi hy vọng việc chế tạo tàu tên lửa sẽ được tiếp tục. Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng. Tất cả tùy thuộc vào quyết định của phía Việt Nam", ông Kladov nói.
Trước đó, Oleg Belkov, Tổng giám đốc Công ty cổ phần "Nhà máy đóng tàu Vympel" (Rybinsk), cho biết Nga đã hoàn thành nghĩa vụ cung cấp công nghệ cho phía Việt Nam đóng 6 tàu tên lửa đầu tiên theo đề án 12418.
Hiện tại, 4 tàu đã được đưa vào phục vụ trong hàng ngũ Hải quân Việt Nam. Hai tàu còn lại sẽ tham gia thử nghiệm từ tháng 4/2017. Dự kiến, quá trình thử nghiệm sẽ được hoàn tất vào mùa hè năm nay.
Theo người đứng đầu "Vympel", sau khi trang bị, phía Việt Nam đang nghiên cứu khả năng tiếp tục đóng thêm những con tàu của loạt này.
Xem thêm>> Việt Nam thử nghiệm 2 tàu tên lửa Molniya tự đóng
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya là loại tàu tên lửa hiện đại có tốc độ nhanh, trang bị mạnh và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Loại tàu này có chiều dài 56,9m, rộng 10,5m, mớn nước 2,5m, lượng giãn nước đầy tải 550 tấn. Chúng được trang bị 1 pháo hạm AK-176M 76,2mm, 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130km, 2 pháo bắn nhanh AK-630M 30mm, 4 tên lửa phòng không tầm thấp vác vai Igla-M.
Molniya còn có biệt danh "Tia chớp" do có tính cơ động cao, có thể đạt tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, có khả năng hoạt động liên tục 10 ngày với phạm vi 3.100 km.
Tàu được thiết kế để tiêu diệt nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các phương tiện mặt nước khác một cách độc lập hoặc theo biên đội. Nó có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5.
Tàu Molniya vừa giúp tăng cường khả năng răn đe, vừa hỗ trợ đáng kể hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền chủ quyền biển đảo; hỗ trợ các hoạt động của lực lượng chấp pháp trên vùng biển xa bờ; bảo vệ ngư dân trước các nguy cơ như cướp biển, tranh chấp thì tàu pháo là lựa chọn hợp lý của Hải quân Việt Nam.
Hoàng Hải