Theo xác nhận từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và lực lượng Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) hôm 15/11, tàu sân bay đầu tiên của nước này đã sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu thực tế sau khi hoàn thiện tất cả về hệ thống cũng như các bài tập quân sự thực chiến.
Global Times trong bài viết cùng ngày cho biết tàu sân bay Liêu Ninh với trọng tải 60.000 tấn dựa trên nền tảng tàu sân bay đa chức năng Đô đốc Kuznetsov của Nga đã trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu một cách liên tục".
Li Dongyou, chính trị viên trên tàu Liêu Ninh còn tuyên bố:"Là một lực lượng quân sự, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi cuộc chiến tranh có thể xảy ra và khả năng chiến đấu của chúng tôi cũng cần phải được kiểm tra bởi chiến tranh". Sau đó, nhân vật này cũng giải thích thêm rằng: "Tại thời điểm này, chúng tôi đang nỗ lực hết mức để phát huy sức mạnh trong việc ngăn chặn chiến tranh cũng như đối mặt với bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra trên thực tế".
Tàu sân bay Liêu Ninh vốn là được xây dựng trên nền tảng tàu sân bay lớp Varyag của Ukraine. Tuy nhiên việc hoàn thiện con tàu đã bị ngừng lại do sự sụp đổ của ngành công nghiệp đóng tàu Liên Xô trong những năm đầu thập niên 1990.
Trung Quốc đã mua lại cấu trúc con tàu này từ Ukraine vào năm 1998. Khi về Trung Quốc, nó đã hoàn thiện và hiện đại hóa một cách đáng kể nhưng mập mờ về mục đích sử dụng. Khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng tàu Liêu Ninh được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện.
Hồi tháng 6/2011, Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân, tướng Trần Bình Đức xác nhận rằng Bắc Kinh đang chế tạo một tàu sân bay dựa trên mẫu Varyag được mua về từ Ukraine, đánh dấu lần đầu sự thừa nhận tồn tại của loại tàu này trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang theo tiêm kích Thẩm Dương J15 - một biến thể của Sukhoi Su-33 là loại máy bay chiến đấu hai động cơ hiện đại, cùng 10 máy bay trực thăng các loại bao gồm Changshe Z-18, Ka-3 và Harbin Z-9.
Hệ thống vũ khí đáng chú ý của Liêu Ninh là Type 1030 CIWS và tên lửa FL-3000N. Ngoài ra nó có thể được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 8 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS, và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW.
Cũng theo thiết kế, nó có thể mang 26 máy bay và 24 trực thăng. Liêu Ninh dùng hệ thống "bệ phóng trượt tuyết" khác với máy phóng như các tàu sân bay của Mỹ. Điều này được cho là giúp làm giảm thời gian cất cánh cho những chiếc J-15, điều được coi là rất cần thiết trong điều kiện chiến đấu thực tế.
PLA đã bắt đầu thử nghiệm các bài tập của J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh kể từ năm 2015. Cho đến thời điểm hiện tại nó vẫn chưa thuộc biên chế của bất kỳ hạm đội nào của PLAN.
Liêu Ninh khác có sự khác biệt lớn với tàu sân bay của các nước khác về cả kích cỡ lẫn tải trọng, theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS).
"Mặc dù khả năng tổng thể của nó bị cản trở bởi hệ thống trữ điện hoạt động kém hiệu quả, nhưng Liêu Ninh là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sức mạnh hải quân của Trung Quốc", CSIS nhận định trong một phân tích.
Trung Quốc đã không tiết lộ kế hoạch sắp tới của Liêu Ninh, nhưng giới quan sát lo ngại tàu sân bay này sẽ gia tăng sức mạnh cho các hoạt động bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Franz-Stefan Gady, bình luận viên tờ The Diplomat nhận định con tàu có thể được triển khai cho các nhiệm vụ trong khu vực bao gồm viện trợ nhân đạo và các hoạt động cứu trợ thiên tai, nhưng đáng lo ngại hơn là các hoạt động diễn tập quân sự phi pháp để khẳng định cái gọi là "chủ quyền lãnh thổ" phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trong thời gian gần đây tàu sân bay của Trung Quốc liên tục có những hoạt động tại cảng Tam Á ở đảo Hải Nam, một động thái được cho là mở đường cho các hoạt động ở Biển Đông. "Các hoạt động của Liêu Ninh tại căn cứ hải quân Tam Á có một tác động đáng kể đến chiến lược lâu dài của Trung Quốc", chuyên gia hải quân Bắc Kinh Li Jie cho biết.
Giáo sư Ni Lexiong, một chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị Thượng Hải cho biết: "Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược và quân sự, còn căn cứ Tam Á sẽ là lối vào dễ dàng nhất tới vùng biển này".
Trước đó Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền về cái gọi là "đường lưỡi bò" trên Biển Đông - nơi chiếm lưu lượng thương mại trị giá 5000 tỷ USD mỗi năm.
Bất chấp việc phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra ngày 12/7, đại diện cho tính thượng tôn pháp luật, đã bác bỏ thứ chủ quyền phi lý đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng từ bỏ tham vọng thông qua các hành động chiếm đóng, cải tạo và quân sự hóa trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tính cho đến nay Trung Quốc đã khai hoang hơn 1.280 ha diện tích trên 7 đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính quyền Mỹ cho rằng đây là hành động phục vụ cho âm mưu xây dựng các tiền đồn "dân sự-quân sự" nhằm tăng cường sức mạnh ở Biển Đông.
Để phản đối hành động nói trên Mỹ đã thực hiện một loạt các cuộc tuần tra trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, áp sát các khu vực chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc - trên danh nghĩa các hoạt động tôn trọng tự do hàng hải vốn được quy định trong luật pháp quốc tế.
Quốc Vinh