Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 13h ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông, Philippines khoảng 660km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13h ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 13,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm. Đến 13h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên Huế-Quảng Nam khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.
Trong 72 đến 120 giờ, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Trước sức mạnh khó lường của cơn bão Noru, Tổng cục phòng chống thiên tai vừa ban hành Công văn số 963/PCTT-QLĐĐ ngày 24/9/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó bão Noru chuẩn bị đi vào Biển Đông.
Công văn nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trên khu vực ngoài khơi phía Đông Philippines đã xuất hiện cơn bão Noru. Khoảng đêm 25/9 đến sáng 26/9 bão đi vào biển Đông.
Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê điều các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Để chủ động ứng phó với bão, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tổ chức kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông; triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Thứ hai, kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt các công trình trực diện biển và có giải pháp đảm bảo an toàn.
Thứ ba, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều.
Thứ tư, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Trúc Chi (t/h)