Việc các dịch vụ đặt xe trực tuyến tràn ngập ở khu vực Đông Nam Á đang khiến cho các dịch vụ chở khách bằng xe máy truyền thống (xe ôm) - vốn là một nguồn thu nhập quan trọng đối với những người không có công việc chính thức như ông Nguyễn Kim Lân (một nhân vật trong bài viết của AP) bị ảnh hưởng.
Trong một số trường hợp, các tài xế taxi cùng những người lái xe ôm truyền thống đang thể hiện sự tức giận bằng những hành động quá khích trước đối thủ cạnh tranh mới.
Cũng giống như những người đồng nghiệp khác, ông Lân cảm thấy khá thất vọng khi thu nhập đã giảm khoảng 20- 30% so với trước đây. "Khách quen của tôi giờ đây chỉ đặt xe bằng Grab và Uber, vì vậy họ không đến đây nữa", ông Lân, 62 tuổi, chia sẻ với phóng viên hãng thông tấn AP trong lúc chờ đợi những người khách hiếm hoi của mình ở một ngã tư trung tâm thành phố Hà Nội.
"Ngày trước, nhiều nhân viên văn phòng thường tới chỗ tôi sau giờ làm việc. Nhưng bây giờ, họ chỉ ngồi một chỗ gọi xe và được đón tại cửa”, ông nói.
Trong bài viết của mình, hãng tin hàng đầu thế giới chỉ ra rằng, giống với nhiều nước khác trong khu vực, xe máy là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - thành phố trung tâm thương mại hàng đầu ở phía Nam.
“Người dân nơi đây có thể điều khiển xe máy qua các đường phố đông đúc, hay những nơi đường sá chật hẹp một cách dễ dàng hơn so với sử dụng xe hơi mà giá thành lại ít tốn kém”, phóng viên AP mô tả.
Tỷ lệ sở hữu xe máy tính theo đầu người ở Việt Nam được cho là cao nhất ở Đông Nam Á. Với mật độ phổ cập viễn thông ở mức cao, gần như mọi người ở Việt Nam đều có điện thoại di động và được truy cập Internet với giá rẻ. Điều này là nền tảng tốt để các dịch vụ đặt xe trực tuyến có sự đột phá mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam.
Sau khi xâm chiếm thị trường xe taxi truyền thống, các hãng xe công nghệ như Uber và Grab giờ đây đe dọa đến dịch vụ xe ôm với các dịch vụ tân tiến hơn như UberMoto và GrabBike.
Chia sẻ với AP, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Grab Việt Nam cho biết, số lượng tài xế GrabBike đã tăng từ con số 100 khi bắt đầu triển khai vào cuối năm 2014 lên tới hơn 50.000 ở thời điểm hiện tại. Con số này vẫn gia tăng đều đặn mỗi ngày.
Trong một số trường hợp, đã có tài xế GrabBike bị tấn công. Nhiều lần công an đã được huy động để giải tán đám đông lái xe GrabBike và xe ôm gây hấn nhau ở TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở Thái Lan và Indonesia.
AP cũng chỉ ra rằng, nhiều lái xe GrabBike vốn là các xe ôm truyền thống chuyển sang, tuy nhiên không phải tất cả mọi xe ôm đều muốn bắt đầu với dịch vụ mới. Một số tài xế có tuổi tác thừa nhận họ không biết sử dụng ứng dụng định vị trực tuyến hoặc hạn chế tài chính trong việc sắm sửa một chiếc điện thoại thông minh.
Đọc thêm>>> 'Bóng đen hạt nhân' Triều Tiên che phủ cuộc gặp Tập Cận Bình-Putin?
Quốc Vinh