Như Người Đưa Tin đã phản ánh, việc mất mạng internet đã diễn ra ở một số địa phương vào tối ngày 15/9 do ảnh hưởng của bão số 10 Doksuri, đặc biệt tại các tỉnh thuộc vùng tâm bão đi qua.
Theo thông tin từ Viettel Telecom vừa trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, thống kê sơ bộ đến 15h chiều ngày 15/9, 5 tỉnh miền Trung có hạ tầng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong đó, có 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Quảng Bình và Hà Tĩnh. Do để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Điện lực đã tiến hành ngắt điện cục bộ khiến 1593 trạm bị mất, chiếm 55% tại 5 tỉnh các tỉnh trên. Chủ động trước tình hình, nhà mạng Viettel đã tiến hành chạy máy nổ tại 893 vị trí ngay sau đó.
Theo đó, cơn bão số 10 cũng khiến 213 tuyến cáp bị đứt. Tính đến chiều ngày 15/9 đã khắc phục được 20 tuyến. Tình trạng gián đoạn thông tin tại 5 tỉnh chiếm 12,1% với tổng 348/1619 vị trí bị gián đoạn. 4 huyện có tỷ lệ gián đoạn thông tin cao nhất là huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Thiếu tá Lưu Mạnh Hà, Phó TGĐ Vtnet, Phó ban chỉ đạo PCTT, TKCN Tiền phương cơn bão số 10 chia sẻ, trước khi bão vào, lực lượng công ty công trình và VTNet đã tổ chức phối hợp đồng bộ giữa Ban chỉ huy tại Hà Nội và ban chỉ huy tiền phương, đưa những người có kinh nghiệm nhất trong phòng chống bão vào các tỉnh có ảnh hưởng nặng nề nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.
Về cơ bản, mặc dù tình hình mất điện nhưng không có huyện nào bị cô lập, gián đoạn thông tin ở mức thấp. Tại Quảng Bình, lúc cao điểm nhất chỉ có tầm 180 trạm bị gián đoạn, chiếm khoảng 40%. Trung bình ở các tỉnh khác, con số này vào khoảng 20%. So với tình hình các cơn bão lớn khác đổ bộ vào Ninh Bình, Hà Nam khiến có lúc mất sóng 100% thì bão số 10 rất mạnh, cấp 12, giật cấp 14-1 nhưng thiệt hại vẫn trong tầm kiểm soát.
Tại Hà Tĩnh có 2 cột bị đổ, 1 nhà trạm hư hỏng, trong đó có một cột do đơn vị xã hội hóa làm, vì vậy các nhà mạng dùng chung cột này đều bị ảnh hưởng. Cột thứ hai là do trạm phát sóng truyền hình của xã Kỳ Anh đổ vào cột của Viettel.
Sau khi bão tan, toàn bộ lực lượng của Viettel cũng đang dồn sức tập trung ứng cứu thông tin tại các tỉnh này và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Theo ông Lưu Mạnh Hà, tới đêm ngày 15/9, mạng lưới của Viettel đã khắc phục được gần 80%. Đến ngày 16/9, Viettel về cơ bản đã khắc phục được toàn bộ các sự cố. So với các đợt ứng cứu trước đây, tốc độ triển khai khôi phục mạng lưới trong bão số 10 Doksuri nhanh gấp 3 lần.
Viettel Telecom cũng đã điều động sim D-com, USB 3G/4G vào các tỉnh kể trên để dự trù trong trường hợp khắc phục lâu, Viettel vẫn có thể cung cấp các dịch vụ internet băng rộng cho khách hàng.
Đỗ Huệ