Đà Nẵng: Sở GD-ĐT Đà Nẵng vừa gửi công văn khẩn cho học sinh toàn thành phố nghỉ học chiều 14/10 và ngày 15/10. Các đơn vị trường học phải phân công người trực 100% trong thời gian bão lụt đang xảy ra và báo cáo kịp thời thiệt hại cho Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt cấp trên. Các trường thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, chằng chống phòng học, phòng làm việc, nhà kho, các công trình đang thi công của trường, bảo vệ tài sản, trang thiết bị trong thời gian bão đổ bộ.
Bộ Chỉ huy Quân sự TP đã sẵn sàng 2 xe tăng thiết giáp loại bánh su để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão khi có yêu cầu.
Quảng Nam: Sáng 14/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp trực tuyến với 18 huyện, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 có khả năng đổ bộ vào địa bàn tỉnh. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10 giờ sáng ngày 14-10, Quảng Nam còn 88 tàu với 2.605 lao động đang hoạt động trên biển. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo bằng mọi biện pháp, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão, tuyệt đối không cho người ở lại trên thuyền. Công tác này phải thực hiện xong trước 19 giờ ngày hôm nay. Các huyện, thành phố phải tổ chức thông báo tình hình mưa lũ, bão cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở, công trình công cộng, sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển trước 19g.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Duy Xuyên cũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão 14 xã, thị trấn sơ tán khẩn cấp 1.692 hộ nhân dân có nhà cửa ở vùng thấp trũng, vùng ven sông, suối có nguy cơ bị sạt lở, những hộ có nhà ở tạm bợ với trên 5.800 nhân khẩu đến nơi an toàn. Việc di dời sẽ hoàn tất lúc 20 giờ tối nay.
Hiện hồ chứa Vĩnh Trinh chỉ còn 0,5 mét nước nữa là qua tràn xả lũ tự do. Các hồ Thạch Bàn và Phú Lộc nước cũng đã qua tràn. Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên đã thường trực 24/24h, chuẩn bị đủ vật tư dự phòng cùng các xã khu Tây, mỗi địa phương bố trí từ 30-50 người để ứng cứu khi có tình huống.
Sáng nay 14-10, đoàn chỉ đạo của Chính phủ do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã vào miền Trung để thị sát tình hình chuẩn bị ứng phó của các địa phương. Ban chỉ đạo PCLB TƯ - Uỷ ban quốc gia TKCN đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND TP.Đà Nẵng dưới sự điều hành trực tiếp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cũng đã có mặt tại Thừa Thiên Huế để thị sát tình hình.
Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 10 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Hướng di chuyển của bão số 11 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 10 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14/10) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Phương Anh (t/h)