Theo dự báo từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (26/12), sau khi đi vào vùng biển phía Nam Cà Mau, bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 7h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.
Tuy nhiên, chuyên gia Khí tượng Thủy văn TS. Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng, dù bão số 16 đã suy yếu nhưng người dân không được coi thường và lơ là.
Ông Tăng cho rằng, chưa bao giờ vào những ngày cuối cùng của năm Dương lịch lại vẫn xuất hiện một cơn bão có cường độ mạnh như bão 16. Đây là cơn bão dị thường, những người làm công tác dự báo trong nước lẫn thế giới đều khó khăn khi dự đoán về bão số 16.
“Mặc dù cường độ của bão số 16 có suy yếu so với những nhận định ban đầu nhưng người dân ở các tỉnh ven biển từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… vẫn cần quan tâm vì nhà cửa của người dân nơi đây đa số được xây dựng sơ sài. Bà con cũng ít có kinh nghiệm trong chống bão.
Vì thế dù chỉ còn là áp thấp nhiệt đới nhưng cũng có thể gây nguy hiểm và thiệt hại về người và tài sản đối với người dân khu vực này”, TS. Bùi Minh Tăng nhận định.
Ông cũng cho rằng, với khu vực Nam Bộ, nơi có diện tích mặt nước, kênh rạch rất lớn nên mỗi khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện lốc xoáy rất nguy hiểm. Hiện tượng xuất hiện lốc xoáy khi có bão và áp thấp nhiệt đới đã xảy ra nhiều lần ở khu vực này vào các năm: 1997, 2006, 2013…
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Trong 6 giờ qua, ở khu vực từ Bình Định, Phú Yên , Khánh Hòa đã xuất hiện mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 25-30mm, một số điểm mưa lớn hơn như: Hòa Thịnh (Phú Yên) 74,2mm.
Trong 6h tới, các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên. Đặc biệt là các huyện: Phù Cát, Vân Canh (Bình Định); Sông Cầu, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa và Phú Hòa (Phú Yên); Khánh Sơn, Ninh Hòa (Khánh Hòa).