Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 16h ngày 3/7, bão số 2 (Mun) đã vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi vào phía đông vịnh Bắc Bộ. Vị trí của bão đang cách huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng) khoảng 100 km, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khoảng 210 km.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn nhận định, bão số 2 có hướng đi hơi lệch xuống phía nam, mở rộng vùng di chuyển sang khu vực Thanh Hóa. Trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên.
Rạng sáng 4/7, bão sẽ đi vào khu vực đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với vận tốc 15 km/h, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ngay sau đó, bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến chiều 4/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm trên các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 6. Từ tối nay (3/7), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh, mưa lớn. Các tỉnh Nghệ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng có mưa rất to. Lượng mưa tại các địa phương sẽ giảm dần vào đêm mai, khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Thông tin Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 3/7 vẫn còn 352 phương tiện, với gần 1.400 lao động nghề cá của tỉnh này vẫn đang hoạt động trên biển.
Cụ thể, tại vùng ven biển Thanh Hóa có 257 phương tiện và hơn 860 lao động đang đánh bắt thủy hải sản, tại các vùng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận còn 95 phương tiện, với hơn 530 lao động. Tất cả các phương tiện này đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 2.
Các chủ phương tiên vẫn thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đang tìm đường vào nơi tránh trú an toàn. Để chủ động ứng phó với cơn bão Mun, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang kiểm tra, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền. Chính quyền khuyến cáo người dân tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiên để đề phòng mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.
Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình, đặc biệt là các ông trình dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công dở dang và chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi xảy ra sự cố.