Bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền với cường độ rất mạnh, cảnh báo thiên tai cấp độ 4

Bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền với cường độ rất mạnh, cảnh báo thiên tai cấp độ 4

Thứ 7, 07/09/2024 07:36

Dự báo trong ngày hôm nay, bão số 3 sẽ đổ bộ Quảng Ninh – Thái Bình rồi quét qua toàn bộ miền Bắc nước ta với cường độ đổ bộ khoảng cấp 11-12, giật cấp 14.

Vào 6h sáng nay, tâm bão số 3 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) cách khoảng 160km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Đêm qua, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/h.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 8.

Đáng lo ngại là khi hoạt động trên Biển Đông, nhờ điều kiện mặt biển rất ấm, bão chưa có dấu hiệu suy giảm dù sắp áp sát đất liền nước ta.

Thông tin trên Tiền Phong, dự báo trong hôm nay, bão vẫn di chuyển theo hướng tây tây bắc vào Quảng Ninh – Thái Bình. Đến 16h chiều nay, bão trên đất liền phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 11, giật cấp 13. Sau đó càn quét qua khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ rồi tan dần trong đêm nay và sáng mai.

Bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền với cường độ rất mạnh, cảnh báo thiên tai cấp độ 4- Ảnh 1.

Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Tiền Phong

Do ảnh hưởng của bão số 3, trong vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.

Trên đất liền vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá hôm nay có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9.

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.

Ngoài ra, trong chiều và đêm nay, khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-2,0m (Quảng Ninh).

Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.

Trên đất liền từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm nay, phía Tây Bắc Bộ từ tối nay đến đêm 8/9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cũng cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.

Cơ quan khí tượng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) do bão số 3 gây ra đối với vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) đối với khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định bão số 3 (Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Do đó ông khuyến cáo người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 - cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp (trong khoảng từ sáng đến chiều tối nay).

"Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng", ông Khiêm chia sẻ trên Tuổi Trẻ.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó bão và mưa lũ sau bão

Đêm ngày 6/9/2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 06 tháng 9 năm 2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17; từ ngày 07 tháng 9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

3. Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh.

M.H (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.