Gấp rút chống bão
Đêm 30/10, theo ghi nhận của PV, TP. Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh miền Trung có mưa to đến rất to. Một số nơi ở nội thị Đà Nẵng bắt đầu có hiện tượng ngập cục bộ.
Tại âu thuyền lớn nhất miền Trung Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) số lượng tàu bè cập bến tránh bão lên đến trên 4.000 chiếc.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chính quyền các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định đã gấp rút sơ tán hàng nghìn hộ dân trên các lồng bè nuôi thủy sản trên biển, vùng có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển và sạt lở núi đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Bình Định thông tin rằng, các cơ quan chức năng cũng đang tập trung sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát... đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn.
Ở Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tuyến giao thông vận tải thủy Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé. Các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng tạm dừng. Hơn 300 tàu cá đánh bắt gần bờ và gần 40 lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn đã được đưa vào vũng neo trú tàu thuyền, đảm bảo kĩ thuật, tránh va đập gây thiệt hại về tài sản.
Ngành GD-ĐT các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận đều đã có thông báo đến các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10. Từ ngày 1/11, tùy theo tình hình diễn diến mưa, lũ tại địa phương, các đơn vị chủ động thông báo cho học sinh đi học hoặc nghỉ học và có kế hoạch học bù.
Để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản tại các cơ sở giáo dục, trường học; các trường học cũng phân công cán bộ, bộ phận có liên quan trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão.
Theo trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, hồi 20h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía Bắc Khánh Hòa sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Cam-pu-chia.
Mưa rất lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở ở Trung Bộ và Tây Nguyên
Trong đêm nay và ngày mai (31/10), ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to (Tổng lượng mưa 50-100mm/đợt); khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm); ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to (Tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, có nơi 400-600mm/đợt).
Từ ngày mai (31/10) đến 2/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300-500mm/đợt).
Đặc biệt, theo cơ quan chức năng, từ đêm nay (30/10) trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng như sau: Các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức báo động (BĐ)1- BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông thuộc Quảng Ngãi ở mức BĐ2- BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), Hướng Hóa, ĐakRông (Quảng Trị), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), Hòa Vang (Đà Nẵng), Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang (Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi).
Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp và các đô thị khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Lộc, TP Huế (Thừa Thiên Huế), Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), Thăng Bình, Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành (Quảng Nam), Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Đức Phổ (Quảng Ngãi).