Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào lúc 16h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ-Đông Nam Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ-Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, từ sáng 23/11 ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ khoảng ngày 24-26/11 ở các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Trước tình hình cơn bão số 9 có khả năng đi thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ. Các địa phương gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống, ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão.
Khánh Hòa sơ tán 280 ngàn dân trước bão
Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với bão số 9; khẩn trương di dời, sơ tán khoảng 280 ngàn dân đến nơi an toàn.
Đối với 40 ngàn lồng bè và hơn 8.000 lao động đang ở trên trên biển, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết di dời, không để người dân ở lại trên các lồng bè.
Các xã, phường bố trí lực lượng chốt gác tại 51 ngầm, tràn, nghiêm cấm người dân qua lại. Đối với các công trình đang xây dựng, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư chằng chống, tháo dỡ các công trình nguy hiểm, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Bình Thuận cấm tàu thuyền ra khơi từ 16h chiều 22/11
Theo dự báo, Bình Thuận là địa phương sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 9. 15h chiều 22/11, ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương, sở ngành và đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án phòng chống bão, trong đó cần triển khai ngay việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện đánh cá và hàng hải không đi vào vùng ảnh hưởng.
Phú Yên chủ động điều tiết nước các hồ chứa, phòng tránh bão số 9
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đang triển khai các biện pháp chủ động ứng phó bão số 9.
Tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin bão số 9 để chủ động ứng phó. Lực lượng Biên phòng thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến bão số 9 và kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Chuẩn bị phương án di dân 3 xã ven biển tránh trú bão an toàn
UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 3 xã ven biển là Bình Châu, Phước Thuận và Bưng Riềng là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu bão tiến vào đất liền, do vậy công tác ứng phó với bão đã được địa phương triển khai khẩn cấp, phân công các địa phương tổ chức di dân đến nơi an toàn.
Riêng các xã ven biển Bình Châu, Phước Thuận và Bưng Riềng là những địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, do vậy địa phương chủ động kêu gọi các phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ khẩn trương vào nơi neo đậu, tránh va đập khi có gió mạnh, tổ chức di dân đến nơi an toàn trước khi có gió mạnh, lốc xoáy tiến vào đất liền.
Phong Linh (tổng hợp)