Bảo tàng nghìn tỷ

Bảo tàng nghìn tỷ

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 7, 23/09/2017 10:00

Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật và giá trị lịch sử. Nó còn là nơi mà người ta phải sáng tạo, phải dùng những giá trị văn minh của thời đại này để truyền tải những giá trị xưa cũ.

Tôi là một người mê bảo tàng.

Trong suốt thời sinh viên, tôi từng đi hết những bảo tàng ở Hà Nội. Nếu có điều gì là chung nhất của các bảo tàng thì đó là sự vắng vẻ. Điều đó khiến tôi luôn thắc mắc. Nhiều người đem sự vắng vẻ ở các bảo tàng ra lý giải bằng một đặc tính, rằng người Việt không thích đi bảo tàng. Nhưng đó có phải là một lý giải hợp lý?

Tôi vẫn giữ những câu hỏi này cho tới nhiều năm sau, khi tôi gặp những người bạn nước ngoài, những người tới Việt Nam để du lịch. Họ có nhu cầu tới những danh thắng hoặc những địa điểm nổi tiếng. Ở Hà Nội, họ thường bảo rằng muốn đi thăm bảo tàng. Hầu hết, chỉ có ba bảo tàng mà họ muốn tới là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Dân tộc học. Lý do là bởi vì trên nhiều diễn đàn du lịch, đó là những điểm đến được nhiều người yêu thích.

Tuy việc đánh giá vấn đề tùy thuộc vào sự cảm nhận riêng nhưng phải thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta có những điểm chung khi nhìn nhận một sự vật hoặc sự việc. Có những sự việc mà hầu hết đều đồng ý rằng nó đúng và cũng có nhiều sự vật mà hầu hết cho rằng nó đẹp. Ví dụ như ba bảo tàng mà tôi vừa nhắc tới. Cả người nước ngoài và người Việt, trong đó có tôi đều cho rằng nó đẹp và hấp dẫn. Lý do là vì ở đó luôn đông đúc.

Và vì vậy, nó có vẻ là một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của tôi nhiều năm trước. Sự vắng vẻ ở các bảo tàng không liên quan gì tới đặc tính của người Việt. Nếu bảo tàng đẹp và hấp dẫn, người Việt vẫn sẽ tới. Những người bạn nước ngoài, họ không có “tình yêu” với bảo tàng lớn hơn chúng ta. Vì họ cũng lựa chọn những bảo tàng chứ không phải là thăm tất cả.

Nhưng điều này lại nảy ra một câu hỏi nữa. Là phải chăng một bảo tàng có nhiều người tham quan là bởi vì tự thân nó đang trưng bày về một chủ đề hấp dẫn?

Đời sống - Bảo tàng nghìn tỷ

Bảo tàng Louvre – Paris (Nguyễn Vương).

Tôi không có ý coi nhẹ sự hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam. Nhưng tôi không tin rằng những chủ đề như Hà Nội (tiêu biểu là Bảo tàng Hà Nội) hay chiến tranh (tiêu biểu là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) lại ít hấp dẫn hơn chủ đề về phụ nữ hay Dân tộc học. Bằng chứng là nhiều người nước ngoài biết tới Việt Nam qua cuộc chiến với những đất nước hùng mạnh nhất thế giới chứ không phải vì sự chịu thương chịu khó của phụ nữ Việt hay tính đa dạng, bản sắc độc đáo trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Chủ đề ở mỗi bảo tàng không phải là thứ quyết định việc có nhiều người tới thăm hay không. Bảo tàng hoành tráng hay không cũng không quyết định điều này. Bảo tàng Phụ nữ không hề hoành tráng như Bảo tàng Hà Nội. Nhưng nó đông khách hơn. Bởi vì nó được trưng bày một cách sáng tạo hơn.

Không chỉ Hà Nội, vắng vẻ là tình trạng chung của những bảo tàng ở nước ta. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên, Bảo tàng Hải Phòng hay Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nói chung là vắng vẻ.

Nếu bạn có dịp tới Bảo tàng Hải Dương học Monaco nằm trong Vương quốc Monaco, bạn có thể thấy những chú cá voi khổng lồ được treo lơ lửng trên đầu ngay khi bước vào. Bạn cũng có thể chui qua đáy tàu của những chiếc thuyền gỗ. Hay là đứng trong bảo tàng, nhìn qua những tấm kính dưới chân để thấy bên dưới là vách đá dốc đứng. Nhìn qua khung cửa sổ, bạn có thể thấy một màu xanh ngắt của biển Ligure - Địa Trung Hải. Người ta cũng sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về việc biển đang dần cạn kiệt bằng những bức vẽ hoạt hình. Và khi mà bạn đã xem qua được một lượt, thì nhạc nổi lên, cùng với tiếng gầm gừ của những con quái vật, cùng với ánh sáng huyền ảo như thể bạn đang lạc vào lòng đại dương thực sự.

Hoặc là ở bảo tàng Louvre – Paris, ngay khi mua vé, bạn có thể thấy trên đó, ngoài những thông tin cần thiết, là hình ảnh của những hiện vật quý giá được trưng bày phía trong. Có thể, đó là bức tượng thánh Maria Madalena của nhà điêu khắc người Đức Gregor Erhart hay là bức tranh về cung phi La Grande của họa sĩ người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres, trước khi vào thăm bức tranh nàng Mona Lisa nổi tiếng của họa sĩ Leonardo da Vinci.

Ở Louvre, tấm vé không chỉ là một tấm vé, nó là thứ để người ta giới thiệu về bảo tàng.

Ở đó, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật và giá trị lịch sử. Nó còn là nơi mà người ta phải sáng tạo, phải dùng những giá trị văn minh của thời đại này để truyền tải những giá trị xưa cũ.

Còn ở Việt Nam, mới đây bộ Xây dựng than không có tiền làm bảo tàng, phải đợi tới năm 2021 mới có thể xây một bảo tàng “tầm vóc” để tạo ra điểm nhấn về văn hóa. Chúng ta chưa biết nó có tạo ra một “tầm vóc” nào hay không nhưng chúng ta đã có một bài học ở Bảo tàng Hà Nội. Từ năm 1982, Bảo tàng Hà Nội đã được thành lập, tọa lạc ở phố Hàm Long. Năm 2010, chúng ta khánh thành một Bảo tàng Hà Nội mới để chào mừng 1000 năm Thăng Long. Và tới giờ, Bảo tàng Hà Nội mới vẫn trong tình trạng vắng vẻ và thậm chí, không có đủ hiện vật để trưng bày.

Bảo tàng Hà Nội rõ ràng đã không tạo được “tầm vóc” nào đó cho Hà Nội, mặc dù nó rất lớn, về diện tích và quy mô.

Với bảo tàng Lịch sử quốc gia thì sao. Cũng giống như Bảo tàng Hà Nội, chúng ta đã có một bảo tàng Lịch sử quốc gia nằm ở phố Tràng Tiền. Chưa kể tới việc nó là một bảo tàng vắng vẻ và  người ta không có ý đồ để làm cho nó hấp dẫn hơn, đồng thời cũng chưa kể tới việc, chỉ vài ngày trước, trong lễ khai giảng một trường tiểu học ở Cao Bằng, hàng chục đứa trẻ vẫn còn phải ngồi xổm trên mặt sân lầy lội với những lớp học dựng tạm bằng tre nứa, người ta nói rằng, đất nước cần một bảo tàng nữa với giá 11.000 tỷ đồng.

Tôi thật không có lời nào để bình luận về việc này. Tôi chỉ muốn đề xuất, rằng, nếu được thì nhân tiện, chúng ta nên xây một bảo tàng về những ý tưởng kỳ quặc và nhẫn tâm.

Nguyễn Vương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.