Tờ The Atlantic mới đây đã tăng một tải bài viết có tiêu đề “Vì sao sừng tê giác có giá tới 300.000 USD? Vì người Việt tin rằng nó chữa được bệnh ung thư và giải rượu” (Why Does a Rhino Horn Cost $300,000? Because Vietnam Thinks It Cures Cancer and Hangovers) của nhà báo Gwynn Guilford.
Dưới đây là bản lược dịch nội dung bài viết:
Một vụ cướp rất điển hình đã xảy ra tại Dublin vào tháng trước. Người đàn ông bịt mặt đã hành hung thô bạo nhân viên bảo vệ trước khi cuỗm đi một lượng tài sản trị giá 650.000 USD. Tuy nhiên, đối tượng bị đánh cắp không phải là các tác phẩm nghệ thuật hay đồ trang sức, mà là bốn con tê giác nhồi bông. Cụ thể hơn, là những chiếc sừng của chúng.
Và đây không phải là lần đầu tiên một vụ tương tự xảy ra. Trong năm 2011, những kẻ trộm sừng tê giác đã đột kích các viện bảo tàng và nhà trưng bày ở 7 quốc gia châu Âu. Các vụ trộm cũng xảy ra tại nhiều thị trấn ở Mỹ và châu Phi.
Điều gì đã khiến loại hình tội phạm có tổ chức cao này bùng nổ?
Nếu bạn đoán Trung Quốc là nguyên nhân, thì bạn đã sai. Câu trả lời là Việt Nam. Sự thèm khát sừng tê giác tại quốc gia này đã gây nên cuộc săn lùng sừng tê giác toàn cầu kể trên, và đẩy giá sừng tê giác lên tới 100.000 USD/kg, cao hơn cả giá trị của vàng khối.
Cơn sốt mang tên “sừng tê giác” bắt đầu lúc nào?
Điều kỳ lạ là sự gia tăng nhu cầu của Việt Nam mới chỉ tăng đột biến gần đây. Mặc dù y học cổ truyền Trung Quốc hơn 1.800 năm trước đây đã đề cập đến khả năng trị bệnh sốt và các vấn đề về gan, nhưng như cầu về sừng tê giác vẫn còn khá hạn chế cho đến những năm 1990. Lệnh cấm buôn bán sừng tê giác giữa các quốc gia châu Á từ thập kỷ 1980 và việc loại bỏ bột sừng tê giác khỏi các dược phẩm truyền thống Trung Quốc thập niên 1990 đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn ngừa các vụ săn trộm tê giác để lấy sừng. Trong giai đoạn từ 1990 – 2007, trung bình mỗi năm tại Nam Phi chỉ có 15 con tê giác bị hạ sát, và giá sừng tê giác chỉ ở mức 250-500USD/kg.
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi trong năm 2008. Vào năm đó, 83 con tê giác bị giết, và một năm sau là 122 con. Đến năm 2012, lượng tê giác bị săn trộm đã lên đến con số kỷ lục: 688 con.
Số lượng tê giác bị giết trung bình mỗi ngày từ giai đoạn 1993-2006 đến năm 2012 tại Nam Phi.
Sừng tê giác trị được ung thư?
Điều gì đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu sừng tê giác vào những năm 2000? Dường như điều này xuất phát từ những lời đồn đại rằng sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư xuất hiện vào thời gian đó.
Điều này không có liên hệ gì tới y học cổ truyền Trung Quốc, như lời ông Huijun Shen, Chủ tịch của Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc ở Anh khẳng định rằng, không có bất cứ ghi chép nào về việc sử dụng sừng tê giác để điều trị ung thư trong lịch sử gần hai thiên niên kỷ của nền y học Trung Quốc.
Dù vậy, ở Việt Nam đã có một số bác sĩ khẳng định khả năng chữa ung thư của sừng tê giác, qua đó bán bột sừng cho bệnh nhân với giá hàng nghìn USD.
Vậy tại sao một bộ phận người Việt Nam sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn cho một thứ mà việc sử dụng chỉ có tính năng dược lý tương đương như gặm móng tay chính mình? Câu trả lời ngắn gọn: đó là sự phất lên gần đây của giới nhà giàu mới – con mồi béo bở của những kẻ trục lợi bằng câu chuyện thổi phồng về công dụng trị ung thư của sừng tê giác.
Một con tê giác bị giết tại rừng quốc gia Kaziranga, Ấn Độ.
Cũng như nhiều nước có tốc độ phát triển nhanh, khả năng đối phó với bệnh ung thư ở Việt Nam đã không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tính đến năm 2010, Việt Nam chỉ có 25 máy xạ trị cho một đất nước với dân số 87 triệu người, tỉ lệ 1 máy trên 3,5 triệu người, khá thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam cũng đang tăng lên 20-30% một năm, vì sự thịnh vượng đồng nghĩa với gia tăng ô nhiễm và lối sống thiếu điều tiết. Thêm vào đó, sự thiếu phòng bị khiến 70-80% bệnh nhân ở bốn bệnh viện ung thư Việt Nam chỉ được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn cuối. Điều đó khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam lên đến 73%, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới, so với mức trung bình của các nước đang phát triển là 67,8%.
Sừng tê giác: Bữa tiệc kích dục và biểu tượng của địa vị
Một số nhóm bảo tồn cho rằng việc sừng tê giác “chữa được ưng thư” không phải nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt hiện tại, mà là quan niệm cho rằng sừng tê giác là một liều thuốc tráng dương thần kỳ. Dù vậy, ngay cả trong y học cổ truyền Trung Quốc cũng không có cơ sở nào khẳng định tính năng này.
Trong thực tế, sừng tê giác bây giờ đắt hơn cả cocaine. Điều này khiến nó trở thành thứ để chứng tỏ đẳng cấp, thành phần không thể thiếu trong loại “rượu dành cho triệu phú”. Nó cũng trở thành công cụ lý tưởng để bôi trơn các giao dịch kinh doanh lớn. Cuối cùng, sừng tê giác được sử dụng như một vị thuốc giã rượu và tăng cường tửu lượng.
Có lẽ, giới trọc phú mới nổi của Việt Nam có quá thừa tiền và không biết phải tiêu vào đâu, đã tìm được sừng tê giác như một thứ để giải tỏa.
"Mua sừng tê giác là một việc làm hợp pháp, ở Việt Nam, bạn có thể mua bất cứ điều gì nếu có nhiều tiền", một người thường xuyên mua sừng tê giác để sử dụng trả lời khi được phỏng vấn.
Nghịch lý của một thế giới không còn tê giác
Cơn sốt sừng tê giác của người Việt đã gây ra một sự đột biến chưa từng có trong nạn săn trộm tê giác trên khắp Châu Phi và Châu Á. Các con tê giác cuối cùng của Mozambique được xác nhận đã chết vào đầu tháng 5/2013. Thông thường, những kẻ săn trộm cưa sừng của tê giác khi chúng vẫn còn sống, khiến chúng bị chảy máu đến chết.
Nếu có một lý do khiến tình trạng săn trộm giảm đi tại một số khi vực, thì đơn giản là vì khu vực đó còn lại quá ít tê giác để giết.
Nghịch lý thay, sự suy giảm số lượng tê giác trên thế giới chỉ làm cho cơn sốt sừng tê giác càng tăng nhiệt. Nguồn cung giảm sút làm cho giá sừng tê giác càng leo cao hơn. Giá một chiếc sừng giờ đây có thể lên tới 300.000 USD, và giá trị của chúng khiến những kẻ săn trộm và buôn bán sừng sẵn sàng liều lĩnh, bất chấp luật pháp. Đó là lý do vì sao cuộc chiến chống săn trộm tê giác dường như sẽ đi đến thất bại.
Quay trở lại với Việt Nam, các cán bộ kiểm lâm ở đây không còn phải lo lắng bảo vệ loài tê giác nữa. Phần việc của họ đã xong. Trong năm 2010, con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam được tìm thấy khi đã chết, với một viên đạn găm vào chân và chiếc sừng biến mất.
Theo Kiến Thức/The Atlantic