Một trong những loạt phim nổi tiếng về Bao Công là Bao Thanh Thiên, được quay tại Đài Loan với sự tham gia của Kim Siêu Quần (vai Bao Công) và Hà Gia Kính (vai Triển Chiêu). Bộ phim sớm trở nên nổi tiếng ở Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam.
Trong phim, hình tượng Bao Công phá các đại án với thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong. Kỳ thực Bao Công chỉ giữ chức này trong khoảng thời gian hơn một năm và trong chính sử không hề chép chuyện phá án nào của Bao Công trong giai đoạn này. Công lao lớn nhất của Bao Công khi đứng đầu phủ Khai Phong (tương tự Thị trưởng Bắc Kinh ngày nay) là cải cách hành pháp và quy hoạch lại kinh thành để khỏi nạn ngập nước. Chức vụ lớn nhất của Bao Công trước khi qua đời là Khu mật Phó sứ, tương đương phó tể tướng, vị trí rất quan trọng trong cơ quan quyền lực tối cao của triều Tống.
Tuy vậy, Bao Công vẫn chỉ ở hàm nhị phẩm, chưa bao giờ là tướng gia, không có quyền tiền trảm hậu tấu bằng ba khẩu Long-hổ-cẩu đầu đao tự chế như trong truyện hay trên sân khấu.
Thống kê ghi lại, những người bị Bao Chửng trừng trị không dưới 30 người là đối tượng quyền quý, hoàng thân quốc thích trong xã hội đương thời. Thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá – cha đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức. Nhà văn đời Tống Âu Dương Tu đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận: “Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình”.
Tuy nhiên, về phá án, trong chính sử chỉ chép hai vụ liên quan đến Bao Công nhưng một ở thời điểm làm tri huyện Thiên Trường (vụ án chiếc lưỡi bò) và một khi đã đứng đầu Tri gián viện (vụ Lãnh Thanh mạo danh Thái tử).
Lãnh Thanh mạo danh Thái tử
Trong những năm Tống Nhân Tông cai trị, khắp phố lớn, hẻm nhỏ ở Khai Phong đều rất mực phồn vinh, đông đúc. Họa phẩm nổi tiếng "Thanh minh thượng hà đồ" cũng từng miêu tả cảnh tượng tấp nập ở nơi này.
Vào một ngày thuộc năm Hoằng Hữu thứ hai (năm 1050), cả kinh thành bỗng trở nên vô cùng náo nhiệt, ở đâu cũng bàn tán chuyện hoàng tử lưu lạc trong nhân gian giờ đi tìm gặp hoàng đế. Theo đó có một thanh niên tên là Lãnh Thanh, tự xưng là hoàng tử, cùng đi với một đạo sĩ ở Lư Sơn tên Cao Kế An, pháp hiệu Toàn Hỏa Đạo đến khắp lục bộ đòi vào cung gặp vua để nhận tông thân. Lãnh Thanh nói rằng mẹ là Vương thị, vốn là cung nữ trong cung, từng được Vua Nhân Tông lâm hạnh và ban cho “Long phụng tú” tức tấm lụa che bụng lúc ân ái. Lãnh Thanh tướng mạo khôi ngô tuấn tú, cử chỉ khoáng đạt, ăn nói dõng dạc, đến đâu cũng xưng thái tử, lúc nào cũng có đám đông hiếu kỳ vây quanh, thậm chí nhiều quan viên thấy phong thái của Lãnh Thanh cũng sinh lòng nể sợ, cho là “long chủng”?
Lúc ấy, Phủ doãn phủ Khai Phong là Tiền Minh Dật nghe chuyện này bèn cho quân ra bắt về phủ xét hỏi. Nhưng khi vào công đường, Lãnh Thanh phẫn nộ quát lớn: "Ngươi dám thẩm vấn Hoàng Thái tử đương triều, quả thật to gan!".
Vị quan kia nhất thời bị lời nói này làm cho kinh hãi, không biết nên làm sao. Nhưng sau đó, ông nhớ ra chuyện hoàng đế không có con trai, vì thế lấy lại bình tĩnh mà thẩm vấn: "Ngươi có gì để chứng minh mình là Hoàng Thái tử?"
Lãnh Thanh kể lại cho quan viên việc mẹ mình từng là cung nữ hầu hạ bên người hoàng đế, sau khi được nhà vua sủng hạnh đã may mắn mang bầu.
Nhưng không lâu sau hoàng cung xảy ra hỏa hoạn, người phụ nữ ấy phải xuất cung, sau đó về quê nhà sinh hạ ra con trai là mình. Đến ngày Lãnh Thanh trưởng thành, mẹ mới nói ra chân tướng để con trai và phụ hoàng nhận nhau.
Quan viên nghe xong lại hỏi: "Vậy ngươi có chứng cớ gì?"
Lúc này, Lãnh Thanh để cho Toàn Đại Lộ lấy ra “Long phụng tú” tức tấm lụa che bụng lúc ân ái, từng được Vua Nhân Tông ban cho mẹ mình sau khi sủng hạnh.
Vị quan kia nhìn thấy vật này, cảm thấy bán tin bán nghi mà nói rằng: "Chỉ dựa vào một chứng cứ này vẫn chưa đủ để chứng minh ngươi là Hoàng Thái tử".
Sau khi thẩm vấn thêm, Tiền Minh Dật khiếp uy, bất giác cũng đứng lên thi lễ. Sau đó ông liền phái người tấu lên Tống Nhân Tông.
Lúc biết chuyện, Tống Nhân Tông ngạc nhiên tới mức ngã khỏi long ỷ. Hoàng Thái tử vốn là thứ ông ước ao bấy lâu, nay lại có một người con trai tự động tìm đến cửa.
Bấy giờ, đại thần bên cạnh vội vàng đỡ nhà vua, đồng thời cũng can gián Hoàng đế điều tra cặn kẽ, bởi chuyện này có liên quan tới giang sơn xã tắc Đại Tống.
Nhân Tông thấy có lý, liền hạ lệnh yêu cầu quan viên phủ Khai Phong tiếp tục điều tra. Nhưng trải qua nhiều lần thẩm vấn, sự việc vẫn chưa có kết quả.
Sau cùng, vị quan kia chỉ đành phái người thưa với hoàng đế rằng mình không đủ sức thụ lý vụ việc ấy.
Lúc đó, sau khi suy xét, Tống Nhân Tông truyền chỉ chuyển vụ án này cho quan chưởng quản Tri gián viện là Bao Chửng cùng Hàn Lâm học sĩ Triệu Khái nhanh chóng điều tra.
Sau khi tiếp nhận thụ lý vụ việc trên, Bao Chửng lập tức cho thân tín giả làm hiệp khách tiếp cận Lãnh Thanh rồi mời đến tửu quán tỏ lòng ngưỡng mộ, dần dần phục rượu cho say để dò hỏi thân thế. Bao Chửng về đến quê nhà Lãnh Thanh, thăm hỏi những người hàng xóm để xác định nhân thân rồi dựng lại chân dung sự việc này.
Đúng như Lãnh Thanh nói, mẹ y là Vương thị vốn là cung nữ, nhập cung năm Thiên Thánh nguyên niên, 3 năm sau thì xuất cung, sau đó kết hôn với một người bán thuốc tên là Lãnh Tự, sinh đứa con gái đầu là Lãnh Diễm, sinh con trai tiếp theo là Lãnh Thanh. Bao Chửng thẩm vấn Vương thị mới biết Lãnh Thanh từ nhỏ không chịu học hành, ăn chơi lêu lổng, lớn lên không nghề nghiệp, chẳng biết đi phiêu du nơi đâu. Hỏi về tấm “long phụng tú” vua ban, Vương thị tìm không thấy, mới biết là Lãnh Thanh đã cầm đi. Nhưng Bao Chửng nghi hoặc, Lãnh Thanh là đứa chẳng có học hành, sao có thể nghĩ đến chuyện mạo xưng thái tử là tội khi quân, chắc chắn phía sau có kẻ giật dây. Bèn bí mật điều tra đạo sĩ Toàn Hỏa Đạo – kẻ luôn đi cùng Lãnh Thanh…
Sau khi đã lập thế phá án, Bao Chửng cho bắt hai thầy trò Lãnh Thanh tách riêng ra để thẩm vấn. Khi gặp Bao Chửng, Lãnh Thanh vẫn dõng dạc xưng mình là hoàng tử. Bao Chửng hỏi: “Mẹ ngươi đúng là từng ở trong cung, nhưng ngươi rõ ràng là có một chị gái, sao chị ngươi không xưng là công chúa mà ngươi lại dám nhận là hoàng tử?”. Lãnh Thanh cứng họng.
Bao Chửng tiếp tục truy vấn, Lãnh Thanh khiếp uy đành cúi đầu nhận tội là đã nghe theo lời của Cao Kế An. Thì ra khi Lãnh Thanh lang thang đến Lư Sơn, Cao Kế An thấy y dáng vẻ sang cả, lại có trong tay tấm lụa “Long phụng tú” mà vua lại đang khao khát có con nối dõi, bèn nghĩ ngay đến trò đại bịp: giả làm hoàng tử. Nếu sự việc trót lọt, Lãnh Thanh được Vua Nhân Tông nhận trở thành thái tử rồi kế vị hoàng đế thì Cao Kế An chắc chắn sẽ là nhất phẩm đại thần trong triều. Từ đó Cao Kế An huấn luyện cho Lãnh Thanh cách đi đứng, ăn nói thật giống bậc vương giả, ngày ngày đều tập diễn luyện đóng vai hoàng tử cho thuần thục. Lại dặn dò Lãnh Thanh nếu vạn nhất chuyện không thành thì cứ giả dạng điên cuồng là xong. Không ngờ gặp phải Bao Chửng quá cao tay đã sớm lật tẩy màn kịch.
Chân tướng vụ án đã rõ, Bao Chửng tấu lên Vua Nhân Tông, Lãnh Thanh và Cao Kế An bị tội chém, còn tri phủ Khai Phong là Tiền Minh Dật bị giáng làm tri phủ Sái Châu.
Đối với kết quả xử án này, Tống Nhân Tông rất mực hài lòng. Một vụ kỳ án kinh thiên liên quan tới giang sơn Đại Tống đã được làm rõ chân tướng nhờ sự cố gắng của Bao Chửng.
Vụ án “chiếc lưỡi bò”
Khi Bao Công mới ra làm quan, nhậm tri huyện Thiên Trường, một hôm có người họ Lý đến công đường thưa là tối qua con bò nhà mình bị kẻ nào đó cắt mất lưỡi sắp chết? Theo luật triều Tống lúc ấy, kẻ tự ý giết bò trâu sẽ bị nghiêm trị vì ảnh hưởng đến sức kéo. Trong tiểu thuyết Thủy hử mô tả các hảo hán Lương Sơn vào quán thường kêu mấy cân thịt bò chính là hình thức thể hiện một thái độ xem thường luật pháp đương triều lúc bấy giờ.
Dù chỉ là vụ án nhỏ, song ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp. Sau khi hỏi kỹ sự tình, Bao Chửng nhận định đây là một vụ án gây ra do tư thù.
Suy nghĩ kỹ, ông nảy ra kế "dùng cần vàng câu cá" và nói với người nông dân:
“Lưỡi bò bị cắt, con bò đó sẽ chết, ngươi mau về mổ bò bán thịt mà kiếm tiền. Có điều là nhà ngươi cứ yên lặng mà làm, không được nói cho ai biết chuyện bản huyện bảo ngươi giết bò, vụ án sẽ được làm rõ”.
Người nông dân nọ nghe vậy sợ quá nói: “Bao đại nhân, dù bò không có lưỡi, nhưng bò vẫn chưa chết, giết bò là phạm pháp đấy ạ”.
Bao Chửng đáp: “Bản huyện sẽ đảm bảo cho ngươi”. Quả nhiên, phạm nhân thấy kẻ thù của mình mổ bò, lập tức cho rằng thời cơ đã đến, liền chạy đến huyện nha tố cáo.
Bao Chửng khi đó mới thăng đường xét xử. Trước mặt “kẻ tố cáo”, ông quát lớn: “Điêu dân to gan, tại sao lại cắt lưỡi bò, rồi lại đến đây tố cáo họ giết bò? Ngươi ác độc vậy, sao còn chưa thành khẩn khai báo.”
Tội phạm vừa nghe thấy vậy, cho rằng sự việc đã bại lộ, đành cúi đầu nhận tội. Đây chính là vụ án đầu tiên trong cuộc đời làm quan của vị quan thanh liêm có tiếng dưới đời vua Tống Nhân Tông.
Cũng từ dây, tiếng tăm của ông được lưu truyền rộng rãi. Ngay cả trong các bộ phim truyền hình về Bao Công ngày nay, tình tiết ly kỳ của vụ án vẫn được sử dụng để tạo nên những thước phim hấp dẫn.
Video: Bao Công làm thuyết khách đẩy lui 10 vạn quân Liêu.
Quốc Tiệp