... Đây là khoảnh khắc họ sẽ tách mình ra khỏi những bộn bề của công việc, nhìn lại chặng hành trình nhiều sóng gió và gửi lời tri ân đến độc giả.
Bão 3 không
Tôi nhớ mãi lời của Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh: “Một năm sau ngày khởi nghiệp, Đời sống & Pháp luật đối diện với nguy cơ 3 không: Không phát hành được, không có quảng cáo, không có thu nhập. Các đại lý bán báo không nhận phát hành, tòa soạn phải yêu cầu phóng viên đi... "rải" báo ở các sạp. Không có phương tiện kỹ thuật, ban Thư ký không thể tự chế bản, lên trang, tòa soạn phải "cầu viện" nhà in. Không có tiền trang trải chi phí, Tòa soạn chỉ chi trả nhuận bút (ở mức thấp nhất), còn phóng viên không có lương”.
Với tinh thần luôn tiến về phía trước, Đời sống & Pháp luật đã có bước chuyển mình lớn mạnh một cách thần kỳ ngay sau đó. Ở tuổi lên 2, lần đầu tiên Đời sống & Pháp luật đã đạt mức doanh thu gần... 1 tỷ đồng. Cũng trong năm 2002, ấn phẩm phụ đầu tiên của Báo - tờ Đời sống & Pháp luật Cuối tháng đã ra mắt bạn đọc với 48 trang in khổ A4. Vượt qua thách thức, Đời sống & Pháp luật vững vàng tay viết.
Bão công nghệ 4.0
Trong bối cảnh kỷ nguyên đa phương tiện, mạng xã hội bùng nổ như một cơn bão lớn, tốc độ lan tỏa của thông tin trên môi trường Internet nhanh đến chóng mặt đã loại bỏ đi cách thức làm báo không còn phù hợp. Anh Nguyễn Tiến Thanh từng nói về cơn bão công nghệ 4.0: “Nó giống như một hóa thân của quái vật Medusa trong thần thoại Hy Lạp làm hóa đá mọi tin tức sốt dẻo trên báo in. Trang báo in giống như một pháp trường trắng hành quyết những khái niệm như: "Tin mới nhận", "Tin giờ chót", "Tin độc quyền", vân vân và vân vân”.
Bám sát sự bùng nổ của công nghệ, Đời sống & Pháp luật đã kịp hoàn thiện đầy đủ các website, fanpage, group và các thiết bị phục vụ cho mọi hoạt động tác nghiệp, quản lý nhân sự, họp giao ban… sẵn sàng vượt qua mọi thách thức.
Trong thời đại công nghệ, người phóng viên, biên tập viên phải là những cây viết có bản sắc, có văn phong và có lượng kiến thức nền sâu rộng để làm ra một tác phẩm báo chí thật sự có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của độc giả. Đây cũng chính là con đường mới cho báo chí hiện tại. Bằng cách này Đời sống & Pháp luật vẫn vững vàng tay viết.
Bão tố nghề nghiệp
Nghề báo, một nghề nghiệp cao quý, đầy trách nhiệm và nhiều cám dỗ. Mang trên mình sứ mệnh mà xã hội giao phó, mỗi thông điệp mà tờ báo đưa ra độc giả đều ngóng đợi để tin theo và làm theo. Những thông điệp mang giá trị kiểm chứng, xác thực đối các thông tin nóng hổi đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Cũng chính bởi nhận được sự tin tưởng của độc giả, của dư luận, cơn bão mang tên cám dỗ đã hình thành, lớn mạnh và quật ngã không ít nhà báo đã trót bẻ cong ngòi bút để đổi lấy lợi ích vật chất.
Cơn bão mang sức mạnh du kích này có thể cướp đi một phóng viên giỏi, cướp đi một cây viết có văn phong, cướp đi niềm tin trong lòng độc giả, cướp đi tất cả những gì mà một cơ quan báo chí dày công xây dựng. Vượt qua những cám dỗ, nhưng người làm nghề báo ở Đời sống & Pháp luật vẫn vững vàng tay viết.
Bão Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động không nhỏ tới mọi mặt của cuộc sống, tác động đến báo chí nói chung cũng như Đời sống & Pháp luật nói riêng. Tác động trực tiếp vào kinh tế, Covid-19 đẩy Đời sống & Pháp luật đối mặt với nguy cơ cắt giảm nhân sự, thu hẹp tổ chức, hoạt động.
Để đối phó với cơn bão suy thoái này, với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, toàn thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên đồng lòng chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ, chấp nhận thu nhập bị giảm sút để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bằng cách này, Đời sống & Pháp luật vẫn vững vàng tay viết.
Bão lòng
Trước khi cơn bão Covid-19 ập đến, Đời sống & Pháp luật có một khoảng thời gian dài tương đối êm đềm. Giống như binh sĩ trong thời bình, nhuệ khí suy giảm.
Bạn có thể hình dung rằng trong một cuộc họp tại một cơ quan báo chí có hàng trăm nhân sự mà bầu không khí nặng nề, im lặng. Vị Tổng biên tập không ít lần lắc đầu chán nản trong cuộc họp vì sự im lặng của toàn bộ nhân sự. Bạn biết không, thậm chí Tổng biên tập từng phải thưởng nóng bằng tiền mặt cho ai dám đứng dậy phát biểu đầu tiên trong cuộc họp.
Phát hành của báo giấy giảm mạnh, quảng cáo giảm, lượng đọc trên doisongphapluat.com và nguoiduatin.vn giảm, doanh thu quảng cáo điện tử giảm... Mọi thứ có lẽ sẽ còn giảm đến mức lặng thinh như sự im lặng của phóng viên, biên tập viên trong cuộc họp.
Đời sống & Pháp luật vẫn luôn vững vàng tay viết trước mọi cơn bão lớn trên hành trình phát triển của họ, nhưng cơn bão lòng mang tên im lặng đang dần nhấn chìm họ vào biển đời mênh mông. Tại sao lại xuất hiện sự im lặng như vậy trong một cơ quan báo chí không nhỏ? Sự im lặng ấy tác động thế nào đến sự phát triển của bộ máy? Và làm cách nào để thực sự xóa bỏ sự im lặng này? Đây có lẽ là những câu hỏi lớn mà Đời sống & Pháp luật cần tìm ra lời giải thỏa đáng để tiếp tục phát triển.