“Đã bảo tồn thì phải bắt đầu bảo tồn từ ông thầy cúng”. Câu khẳng định này là của TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian rất uy tín hiện nay.
Duyên do là ở việc, cách đây không lâu, ông Trần Hữu Sơn có đăng trên trang facebook cá nhân một status nêu thắc mắc về vấn đề thần điện của người Dao - ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác – như nó thể hiện trên các bộ tranh thờ của họ.
Ông cho rằng thần điện này liên quan chặt chẽ với tín ngưỡng Đạo giáo, mà Đạo giáo thì các kết quả nghiên cứu ở nước ta từ trước đến nay khá sơ sài, cho nên để hiểu, có lẽ phải có sự liên kết để tham khảo từ giới nghiên cứu Đạo giáo cũng như giới Dao tộc học bên Quảng Tây, Trung Quốc.
Câu chuyện khoa học về tranh thờ người Dao đương nhiên không thể không rắc rối, nhưng cái khiến tôi quan tâm thực sự lại là việc nó gợi một kỷ niệm có liên quan. Tức là, cách đây gần hai mươi năm, khi làm một bộ phim tài liệu về tranh thờ của người Dao ở Lào Cai, xuống thực địa ghi hình tôi mới biết rằng ngay trong nhà các ông thầy cúng người Dao, số tranh thờ hiện có cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều người dưới xuôi đã lùng mua tranh thờ người Dao từ lâu (mà một trong những tay săn tranh khét tiếng nhất, chính là ông họa sĩ Đức “nhà sàn”, con trai của cụ nhà văn Kim Lân).
Tôi hỏi TS. Trần Hữu Sơn rằng tại sao lại ra cơ sự như thế? Ông Sơn mới trả lời, đại khái: tranh thờ vốn là của báu truyền đời trong các gia đình thầy cúng người Dao, khi nào hành lễ họ mới mang ra treo, lúc bình thường thì họ cất rất kỹ. Thế nhưng có một thời gian dài ở ta, việc hành lễ của các thầy cúng người Dao bị coi là mê tín dị đoan, bị cấm tiệt, bản thân các ông thầy cũng phải “chuyển ngạch” sang nghề làm nương, cày ruộng, quét chợ hoặc gác cổng cho các cơ quan, công sở để kiếm cơm.
Tranh thờ chẳng biết dùng vào việc gì, lại có người đến hỏi mua, thậm chí mua với giá cao, thì họ bán thôi chứ có gì đâu. Cho nên muốn bảo tồn di sản tranh thờ của người Dao, thì phải bảo tồn bắt đầu từ ông thầy cúng người Dao ấy.
Sự khẳng định của TS.Trần Hữu Sơn khiến tôi phải suy nghĩ. Bởi vì, nhìn rộng ra, không chỉ tranh thờ của người Dao đâu, rất nhiều thứ được gọi là di sản văn hóa cổ truyền/ truyền thống trên đất nước chúng ta đều có cái gốc, hoặc có sự liên quan rất chặt chẽ với tôn giáo hoặc với những thực hành mang tính tín ngưỡng, tâm linh. Mà ở đó chúng ta có thể nhận thấy vai trò rất quan trọng của những người nắm được tri thức, và tự họ cũng chính là người chủ trì việc thực hành các nghi thức tôn giáo hoặc thực hành các tín ngưỡng, tâm linh.
Diễn xướng Then của người Tày, Nùng, Thái là như vậy. Tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt là như vậy. Hát Xoan thờ Hùng Vương ở Phú Thọ cũng có cái gốc là như vậy v.v..., (tôi chỉ lấy một ít ví dụ bằng những di sản văn hóa nổi tiếng, đã được Unesco ghi danh, còn trên thực tế là rất, rất nhiều).
Các ông Pụt, ông Tào, bà Then, ông Then, bà Mo, ông Mo, các ông các bà thầy cúng ấy chính là những con người như thế. Họ nắm cái gốc, cái lõi của di sản. Từ vốn tri thức và sự thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tâm linh của họ, những di sản văn hóa truyền thống kia mới thực sự vận hành bằng tất cả tính chất sống động của nó.
Không có họ, di sản văn hóa chỉ còn là phần vỏ, là những yếu tố biểu hiện bề ngoài mà thôi. Cho nên nói như TS. Trần Hữu Sơn rằng muốn bảo tồn thì phải bắt đầu bảo tồn từ ông thầy cúng, là vì thế. Nếu không sẽ sai lạc hết cả.
Ví dụ ở nhiều nơi thuộc khu vực miền núi phía Bắc hiện nay, người ta phát động phong trào “bảo tồn và phát huy di sản hát Then đàn tính”, rầm rộ thành lập các câu lạc bộ hát Then đàn tính, mở lớp truyền dạy hát Then và chơi đàn tính cho nam nữ thanh niên và trẻ nhỏ, tổ chức nhiều cuộc thi hay liên hoan hát Then đàn tính, đưa hát Then đàn tính lên sân khấu như những tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian v.v...
Nhưng thật ra cái sự đàn hát ấy vốn chỉ là một phần, và thuộc lớp vỏ của di sản Then mà thôi. Then đích thực phải diễn ra ở không gian đặt bàn thờ Then, nơi ông thầy Then hành lễ bằng cách vừa đàn, vừa rung xóc nhạc, vừa hát các bài ca Then.
Mà các bài ca Then này, cũng giống như mo Mường vậy, là cả một khối folklore ngữ văn rất lớn, chứa đựng thế giới quan, nhân sinh quan, những huyền thoại và truyền thuyết về sự hình thành thế giới và lịch sử tộc người, những tri thức về giới tự nhiên, những bài học về đạo đức v.v... của người Tày, Thái, Nùng, Mường... Cái gốc ấy thì người ta không bảo tồn, chỉ đi lo việc bảo tồn cái ngọn kia.
Chỉ nói vài ý sơ sơ, đã thấy việc “bảo tồn và phát huy” giá trị các di sản văn hóa truyền thống ở ta khó khăn và đang còn nhiều bất cập đến thế nào. Rất thường khi khó khăn và bất cập lại nằm ở sự hiểu biết chưa đủ hoặc chưa đúng về bản chất và phẩm tính của các di sản văn hóa. Khi ấy, đương nhiên cứ ra sức “bảo tồn và phát huy”, thì chỉ có nhầm hoặc sai.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả