Tin bão Trà Mi mới nhất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 24/10, cơn bão TRAMI (tiếng Việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo diễn biến bão (24 đến 72 giờ tới):
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
13h ngày 25/10 | Tây, 10-15km/h, đi vào Biển Đông | 17,4N-117,8E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa 690km về phía Đông | Cấp 9-10, giật cấp 12 | Vĩ tuyến 15,0N-19,5N; phía Đông kinh tuyến 115,5E | Cấp 3: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông |
13h ngày 26/10 | Tây Tây Bắc, 15-20km/h | 17,9N-114,1E; cách quần đảo Hoàng Sa 320km về phía Đông Đông Bắc | Cấp 11-12, giật cấp 15 | Vĩ tuyến 15,5N-20,5N; phía Đông kinh tuyến 111,5E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) |
13h ngày 27/10 | Tây, khoảng 15km/h | 17,6N-111,1E; trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa | Cấp 11, giật cấp 13 | Vĩ tuyến 15,0N-20,5N; Phía Đông kinh tuyến 108,0E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) |
Cảnh báo diễn biến bão từ 72 đến 120 giờ tới, bão di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam.
Dự báo vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (89-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bão Trà Mi diễn biến rất phức tạp, dự báo 2 kịch bản xảy ra
Nhận định về cơn bão này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay, bão Trà Mi là cơn bão rất phức tạp, trước khi vào Biển Đông, bão đã có 4 lần đổi hướng. Chiều và đêm nay (24/10), bão sẽ vượt qua phía Bắc của đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành bão số 6.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có đường đi tương đối ổn định. Sau đó, khi dịch chuyển qua khu vực phía Bắc của quần đảo Hoàng Sa, đến gần vùng biển miền Trung, bão sẽ có sự thay đổi về hướng, tốc độ và cường độ. Lúc này, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển ngược ra phía ngoài biển.
"Về cường độ, khi vào Biển Đông, bão Trà Mi sẽ cấu trúc lại và khả năng ảnh hưởng đến miền Trung sẽ rõ ràng. Bão Trà Mi chưa có dấu hiệu mạnh lên nhanh như bão Yagi", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Nói về sự phức tạp của bão Trà Mi, ông Nguyễn Văn Hưởng phân tích, một cơn bão luôn chịu sự tác động của môi trường trong quá trình hình thành, di chuyển. Khi di chuyển đến phía Bắc của quần đảo Hoàng Sa, lúc này có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống. Cùng lúc đó xuất hiện một rãnh gió Tây.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, dự báo bão sẽ đi vào khu vực Biển Đông trong ngày hôm nay và sẽ mạnh lên với vận tốc gió gần tâm bão 100km/h khi bão tiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 25 hoặc 26/10.
Dự báo thời tiết cùng thời điểm này, phía cao nguyên Tây Tạng đang có không khí lạnh tràn về phía Nam kèm theo đó là áp cao lục địa với khí áp lên đến 1020hpa. Có 3 thứ là khắc tinh của bão gồm: địa hình đồi núi cao, không khí lạnh và khí áp cao. Ngày hôm nay bão thoát khỏi khu vực đồi núi cao Luzon thì sẽ mạnh lên nhưng đến 26/10 sẽ gặp phải không khí lạnh và khí áp cao từ phía Bắc tràn xuống nên sẽ có 2 kịch bản xảy ra.
Kịch bản 1, khi bão vào gần bờ vào ngày 27/10 sẽ giảm cấp gió xuống còn khoảng cấp 8 - 9, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ trong giai đoạn từ 27/10 đến 30/10.
Kịch bản 2, khi bão vào gần bờ ngày 27/10, sẽ tương tác với không khí lạnh và bị khối khí áp cao áp đảo nên quay ra và yếu đi. Tuy nhiên, sau khi quay ra và khối khí áp cao kia biến mất thì bão lại tập hợp lại lực lượng và tiếp tục đi vào bờ trong các ngày đầu của tháng 11.
"Đây là một cơn bão xuất hiện khi có nhiều hình thái thời tiết diễn ra cùng lúc nên đường đi của bão sẽ rất phức tạp", TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.
Ngày 24/10, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) có công điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc chủ động ứng phó diễn biến bão Trà Mi và mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ Công an đề nghị công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ.
Cụ thể, chủ động thông tin về diễn biến của bão để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.
Trúc Chi (t/h)