Những phát ngôn nảy lửa
Sự cứng rắn của Philippines đã khiến Trung Quốc chính thức cảnh báo về "một cuộc phản công" chống lại Philippines "nếu Manila tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh" ở Biển Đông. Những tưởng cảnh báo này sẽ làm Philippines lo lắng nhưng thật bất ngờ, Philippines đã phản công ngay tại diễn đàn An ninh khu vực giữa thành viên các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Trong thông cáo báo chí tại đây, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario đã cáo buộc sự hiện diện quân sự và bán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông là hiểm dọa đối với hòa bình và ổn định hàng hải trong khu vực. Thông cáo báo chí viết: "Ông Del Rosario bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình quân sự hóa ngày càng tăng trên Biển Đông...
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario .
Hành động của phía Trung Quốc không chỉ đe dọa những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, mà còn vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Ông Del Rosario đã tố cáo, các hành động của Trung Quốc vi phạm DOC ký kết năm 2002 giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông là một số thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Tuyên bố này quy định các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông không được triển khai bất cứ hành động nào có khả năng đẩy căng thẳng khu vực lên cao, như hành động đe dọa, hoặc sử dụng vũ lực. Ông Del Rosario tuyên bố: "Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc giải quyết các tranh cãi một cách hòa bình và dựa trên các nguyên tắc, tuân thủ luật pháp quốc tế".
Các tuyên bố và cáo buộc của Ngoại trưởng Philippines đưa ra chỉ một ngày sau khi tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc "chụp mũ" và đe dọa Philippines. Báo này tuyên bố Philippines "khó tránh một cuộc phản công của Trung Quốc ở Biển Đông" sau khi phạm "bảy trọng tội" đăng trên trang nhất tờ Nhân dân nhật báo bản quốc tế đúng vào ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (diễn ra bốn ngày).
Những năm gần đây, Trung Quốc khiến các nước láng giềng quan ngại và bức xúc khi tuyên bố chủ quyền gần như là toàn bộ Biển Đông cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ trong khu vực. Thấy rõ nhất là việc các tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền nhưng Bắc Kinh đã chiếm quyền kiểm soát từ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền biển đảo thuộc chủ quyền các nước Brunei, Malaysia và Việt Nam. Căng thẳng đã gia tăng trong những năm gần đây khi Philippines và một số quốc gia khác bày tỏ lo ngại về sự hung hăng của quân đội Trung Quốc với các mánh khóe ngoại giao để tăng cường kiểm soát vùng biển.
"Nóng nhất" là việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS). Philippines cáo buộc Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này tại Biển Đông (cụ thể là bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, vốn gần bờ Philippines hơn Trung Quốc) và muốn ITLOS tuyên bố đường chín đoạn phi lý (đường lưỡi bò chín đoạn) mà Trung Quốc vẽ ra tại Biển Đông là vô giá trị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Căng thẳng và liệu pháp giảm nhiệt
Sau những phản pháo mạnh mẽ của Philippines, Trung Quốc đã đồng ý tổ chức các cuộc tham vấn chính thức với ASEAN để xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trong một cuộc họp vào tháng 9 tới tại Trung Quốc, một động thái được Ngoại trưởng Thái Lan ca ngợi là "rất quan trọng".
Động thái này của Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng và "sức nóng" đang tăng dần giữa hai nước bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei. Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc cũng đã đồng ý tổ chức một cuộc họp giữa các Ngoại trưởng về vấn đề Biển Đông tại Thái Lan trong tháng 8.
Trong một buổi họp báo tại Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Chúng tôi đã đồng ý hợp tác hàng hải để xây dựng vùng biển xung quanh thành nơi hòa bình, hữu nghị và hợp tác". Tuy nhiên, ông Vương Nghị cũng vẫn nhấn mạnh rằng, bất kỳ tiến bộ nào về sự đồng ý đối với khuôn khổ mới đều phụ thuộc vào các bên tuân thủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC 2002) như thế nào, trong khi Bắc Kinh vẫn "chụp mũ" Manila vi phạm DOC.
"Cả Trung Quốc và các quốc gia khu vực Biển Đông khác đều đang nỗ lực để ổn định vùng biển này. Tôi tin rằng, bất kỳ hoạt động nào được thực hiện bởi các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông mà đi ngược lại xu hướng này sẽ không nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nước và sẽ không thành công", ông Vương Nghị nói thêm.
Năm ngoái, Trung Quốc và Philippines đã bị sa vào một cuộc tranh chấp kéo dài hai tháng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, cách bờ biển Philipinnes khoảng 124 hải lý. Tàu Trung Quốc hiện kiểm soát bãi cạn Scarborough và thường xuyên xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của họ.
An Mai (Theo Philippine Daily Inquirer/AFP)