Nghịch lý các chương trình ca nhạc
Có thể nói, so với năm 2012, các liveshow ca nhạc thuộc hàng "khủng" được tổ chức một cách dồn dập. Có thể điểm qua một số như: Liveshow tại Việt Nam của Bằng Kiều, liveshow Số phận của Đàm Vĩnh Hưng, Những câu chuyện kể của tôi của Dương Thụ, Cầm tay mùa hè và Như chờ từng giấc mơ của Trần Tiến... Thế nhưng chỉ sau một năm, số lượng liveshow có mức đầu tư tiền tỷ giảm xuống một cách bất ngờ. Như Mỹ Tâm cũng chỉ tổ chức liveshow trong một phạm vi rất nhỏ. Vững chắc và có người tài trợ như Trang Nhung mới tổ chức liveshow vào ngày 27/8 vừa qua. Với Quang Hà, hay Cẩm Ly - Minh Tuyết thì sẽ tổ chức vào vài tháng tới. Riêng với các ca sỹ khác thì không dám tuyên bố vì không biết có làm được không. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cái gì cũng đều được tính toán một cách cẩn thận thì thị trường âm nhạc buộc phải phát triển theo một hướng khác để tồn tại. Chính vì thế những liveshow ca nhạc được đầu tư tiền tỷ phải được tính toán kỹ lưỡng để có thể an toàn vượt qua mùa khó khăn.
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng tâm sự: "Đúng là khi thực hiện liveshow đình đám thì hiếm khi có lời. Trừ khi có vài nhà tài trợ thì may ra mình yên tâm về mặt đầu tư, lúc đó chỉ trông vào phần lãi của việc bán vé ".
Theo ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, có quá nhiều chương trình ca nhạc mà khán giả được tặng vé miễn phí để đến xem, hoặc có thể chọn cách xem qua truyền hình. Và dù xem như thế nào thì khán giả vẫn không hề mất tiền, lại có thể được tận tai, tận mắt nghe thần tượng của mình trình diễn. Có thể điểm qua một số chương trình như: Tình khúc vượt thời gian, Giai điệu tình yêu, Âm nhạc và Bước nhảy, Bài hát yêu thích...
Các chương trình liveshow ca nhạc nếu xét về cái được thì khán giả được thưởng thức thoải mái các chương trình âm nhạc mà không phải mất tiền. Nhưng thực tế cũng cho thấy, có những chương trình không bán vé cũng tồn tại nhiều mặt chưa được. Một phần là do không bán vé nên khó có thể có nhiều vốn để đầu tư sản xuất chương trình. Vì thế những ý tưởng phong phú để làm chương trình có thêm nhiều màu sắc là điều không thể. Chưa kể đến đạo cụ, âm thanh, ánh sáng cũng chưa thật sự hoàn hảo như ý muốn. Tuy nhiên, một khía cạnh nào đó, những chương trình truyền hình trực tiếp ca nhạc này là một nơi lý tưởng cho các tài năng âm nhạc được chắp cánh và được nhiều người biết đến.
Ảnh minh họa.
Nhạc sỹ Hamlet Trương cho biết: "Khi ca sỹ xuất hiện trên các chương trình truyền hình, họ đã xác định đây không phải là một show dạng kinh tế, vì nó mang hiệu quả truyền thông là chính. Nó là một khu vực khác hẳn so với các show diễn khác. Ở một góc độ nào đó, khi nhiều show truyền hình xuất hiện làm phong phú thêm đời sống âm nhạc, tạo sân chơi cho ca sỹ quảng bá sản phẩm mới. Rất nhiều hit đình đám ra đời từ các sân khấu ca nhạc truyền hình dạng này”.
Ca sỹ ngán ngẩm liveshow
“Không liệu cơm gắp mắm là tự giết mình” Nhạc sỹ Hamlet Trương cho biết: "Trong một liveshow ca nhạc, yếu tố kinh tế là quan trọng nhất. Nếu làm một liveshow mà không mang lại lợi nhuận khi tổ chức, không liệu cơm gắp mắm thì chẳng khác gì tự giết mình. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng đến các kế hoạch sau đó nên ai cũng sợ làm một liveshow là chuyện đương nhiên, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay". |
Sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp trên truyền hình phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của những liveshow ca nhạc hoành tráng. Ca sỹ Quang Hà cho biết: "Khi các chương trình ca nhạc, các gameshow ca nhạc phát triển mạnh, khán giả thường có xu hướng ở nhà xem. Với những khán giả chịu đến sân khấu xem trực tiếp, yêu cầu của họ rất cao và họ cũng sợ bỏ tiền mua phải những liveshow không ưng ý. Chính vì nhu cầu khán giả ít mà lại có quá nhiều chương trình ca nhạc thế nên ca sỹ ngại làm show".
Nhận định về tình hình thiếu những liveshow hoành tráng như hiện nay nhạc sỹ Hamlet Trương nói: "Đây là tình hình chung, làm một liveshow ngoài áp lực sáng tạo nội dung thì kinh tế là yếu tố quan trọng. Nếu không có tiềm lực về kinh tế thì khó có một liveshow đúng nghĩa. Chính vì thế nhiều người ngại làm liveshow, riêng với các ngôi sao lớn, họ có sự tự tin về việc bán vé thì họ mới làm hoặc nhiều người khác biết chắc là lỗ vẫn làm để kỷ niệm, truyền thông".
Dù khá ngán ngẩm khi làm liveshow nhưng các ca sỹ luôn phải cố gắng làm một phần vì đó là cách để giữ gìn tên tuổi. Một ca sỹ xin giấu tên cho biết: "Ngày nay, làm liveshow khá tốn kém nhưng ca sỹ vẫn phải làm, một phần để giữ gìn thương hiệu, tạo độ hot cho bản thân. Có như vậy nhiều bầu show mới tin tưởng mời về hát. Nghề này khổ vậy, dù biết lỗ cũng phải làm liveshow vì đó là cách để tồn tại trong nghề".
Trước những chương trình ca nhạc trên truyền hình ngày càng nhiều, các liveshow hoành tráng im lặng chờ thời cơ. Còn ca sỹ cũng cân nhắc kỹ tình hình để khi làm liveshow không bị thua lỗ. Theo nhạc sỹ Hamlet Trương: “Ca sỹ ít làm liveshow nhưng đến khi họ làm, tức là họ đã chắc chắn một điều gì đó. Chính vì thế khán giả có cái để trông đợi. Còn mất thì không mất gì, vì luôn có những dạng show khác, ít tốn kém hơn nhưng có lợi cho đôi bên”.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ cũng cho rằng: "Hiện nay có quá nhiều sô ca nhạc được trực tiếp truyền hình, phần nào ảnh hưởng đến các chương trình nghệ thuật, liveshow hoành tráng. Thị phần lúc này đã bị chia cắt rõ rệt. Thử hỏi nếu phải bỏ tiền xem liveshow thật hay, đầu tư hoành tráng và một sô trực tiếp không mất tiền thì đại đa số khán giả chọn phần nào? Phần lớn họ chọn miễn phí. Những sô ca nhạc nghiêm túc hiện vẫn còn nhưng đã ít đi. Một số nơi buộc phải làm là vì muốn giữ thương hiệu, hoặc ca sỹ (có thực lực) thực hiện vì kế hoạch quảng bá tên tuổi và vì khán giả riêng của họ".
Trước sự phát triển mạnh của các chương trình truyền hình trực tiếp không mất tiền, các ca sỹ luôn cẩn trọng khi tổ chức liveshow dù biết rằng số tiền thu lại từ những liveshow này không thực sự cao, nhưng tình yêu nghề nghiệp buộc họ luôn phải sáng tạo. Họ luôn đổi mới mình và tạo ra một chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc Việt. Có những ca sỹ khi tổ chức liveshow phải bán cả nhà, xe và những vật dụng đắt tiền... nhưng họ vẫn không thể dừng lại, bởi đó là một cách đầu tư vào sự nghiệp. Để các chương trình nghệ thuật thật sự có chỗ phát triển, rất cần sự quan tâm của các khán giả.
Mai Thy