PGS. TS Nguyễn Lân Cường, chủ tịch Hội Cựu viên chức Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: "Việc khai quật một di tích khảo cổ học mộ cổ là hết sức khó khăn và phức tạp. Những khó khăn đó đến từ rào cản tín ngưỡng, nhiều người dân địa phương nơi cổ mộ tồn tại thường có thái độ e dè và phản đối việc khai quật mộ. Họ tin tưởng rằng, việc làm đó sẽ khuấy động đến thần linh và cuộc sống của dân địa phương gặp nhiều sóng gió. Thời chiến tranh, chúng tôi đi khai quật mộ suýt chết vì trúng phải bom đạn.
Thời nay, nỗi lo sợ ấy không còn nhiều nhưng vẫn vướng phải những rào cản khác, nhất là đụng chạm đến niềm tin của người dân. Khi thuê người dân đào di tích khai quật, đang đào nhân công phát hiện ra cổ mộ liền bỏ dụng cụ không đào nữa. Mướn xe cộ, ghe thuyền chuyên chở hiện vật thì nữa chừng bị quăng xuống, còn bị ăn vạ bắt đền".
Những trụ đá hình trụ và hình chữ nhật đầu lõm hình yên ngựa
Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường việc khai quật gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ các nhà khảo cổ học nghĩ đến chuyện dừng lại hay đổi nghề. Đó không là nghề nghiệp nữa mà đã thành đam mê. Đam mê tìm lại các giá trị văn hóa lịch sử trong từng phiến đá chôn sâu dưới lòng đất, trong những đồ vật mai táng theo người đã khuất, trong những bộ hài cốt đã hóa thạch. Phong cách kiến trúc, hoa văn trang trí phản ánh niên đại, con người và những nét văn hóa lịch sử độc đáo riêng biệt gắn liền với những giai đoạn phát triển của loài người nói chung và người Việt cổ nói riêng.
Những ngôi mộ cổ gắn với những nhân vật lịch sử hay người Việt cổ thể hiện quá trình khai phá, xây dựng vùng đất hoang hóa thành những làng phố văn minh như hiện nay. Việc bảo tồn, phát huy giá trị mộ cổ là giữ gìn và phổ biến các giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa cho thế hệ mai sau.
Các chuyên gia khảo cổ của Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM cho biết: "Mộ cổ Hàng Gòn với kiến trúc lạ lẫm, cách bày trí và xây dựng riêng biệt, thể hiện một phần không nhỏ cuộc sống của người Việt cổ, đặc biệt có thể đó là nơi an nghỉ của một vị thủ lĩnh có uy thế trong những bộ tộc xa xưa. Với niên đại được xác định vào khoảng 150 năm trước Công nguyên đến 240 sau Công nguyên, di tích khảo cổ học mộ Cự Thạch Hàng Gòn thật sự là một kho tàng mang nhiều yếu tố văn hóa lịch sử của người xưa.
Trong văn hóa các dân tộc trên đất nước ta, khi chết đi con người mới thật sự đoàn tụ với tổ tiên ông bà, nơi an nghỉ được chú trọng và đầu tư kỹ lưỡng thể hiện sự trân trọng nguồn cội. Những ngôi cổ mộ được khai quật mang nhiều kiến trúc khác nhau, mỗi mộ một vẻ nhưng chung quy lại vẫn chứng minh tập tục lâu đời của các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S".
Theo Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai việc tìm mộ cổ không chỉ đào bới, tách rời di chỉ khảo cổ ra khỏi lòng đất mà thông qua đó con người giải mã văn hóa lịch sử từ những phiến đá, mảnh gỗ. Từ những phiến đá khổng lồ được tìm thấy tại mộ cổ Hàng Gòn, các nhà khảo học chứng minh được sự đoàn kết cao độ của người Việt cổ, tinh thần trách nhiệm cũng như sự sáng tạo khôn cùng của con người.
Bài toán các nhà khảo cổ học tìm ra số nhân công, ngày công để xây dựng nên Cự Thạch Bi vẫn chưa có kết quả. Nhưng giá trị của mộ Cự Thạch Hàng Gòn thể hiện rất nhiều ở quy mô, óc sáng tạo và sự lao động không ngừng của những người đã xây dựng. Cự Thạch Bi là di vật góp phần làm sáng tỏ nhiều điều về nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai. Hiện nay, di tích khảo cổ học mộ Cự Thạch Hàng Gòn đang được trùng tu tôn tạo trên diện tích rộng khoảng 4ha dựa theo cơ sở sẵn có của các đợt khai quật.
Suối Mai