Luật Bảo vệ môi trường(BVMT) năm 2020 hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó có 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Để nắm bắt rõ hơn về tình hình của công tác bảo vệ môi trường nói chung phân loại rác tại nguồn nói riêng trên địa bàn Tp.Hà Nội, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thanh Mai – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường UBND quận Thanh Xuân.
NĐT: Thưa bà, bà đánh giá về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đối với nhiệm vụ xây dựng quận Thanh Xuân phát triển toàn diện, giàu đẹp, văn minh?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: Quận Thanh Xuân luôn coi công tác Bảo vệ môi trường là trách nhiệm không chỉ của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; Là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển; Gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
NĐT: Xin bà cho biết trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện nay có những khu vực nào tiếp giáp với sông, hồ và tình trạng ô nhiễm, rác thải ở những khu vực đó hiện nay như thế nào?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: Quận Thanh Xuân có 3 con sông chảy qua là sông Tô Lịch và sông Lừ, sông Sét đây cũng là nguồn thoát nước chính của quận.
Bên cạnh đó, trên địa bàn quận cũng có một số hồ, đầm, ao tự nhiên tương đối lớn; các hồ, ao, đầm này có ý nghĩa quan trọng trong điều tiết tiêu thoát nước và giữ vai trò điều hòa mực nước cho khu vực như: đầm Hồng, hồ sinh thái Đầm Chuối (phường Khương Đình), hồ Phương Liệt, hồ Rùa (phường Phương Liệt), hồ Hạ Đình và hồ Rẻ Quạt (phường Hạ Đình), hồ điều hòa Nhân Chính trong Công viên Thanh Xuân (phường Nhân Chính).
Các hồ này đã được đầu tư xây kè và làm đường dạo xung quanh, nhìn chung cảnh quan tại các hồ đảm bảo vệ sinh môi trường.
NĐT: Với những khu vực sông, hồ trên địa bàn đang gặp phải tình trạng ô nhiễm thì quận Thanh Xuân có những biện pháp như thế nào để xử lý, khắc phục hay hạn chế tình trạng trên?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: Thực hiện Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn;
Năm 2021, UBND Quận đã được UBND Thành phố (Sở xây dựng Hà Nội) bàn giao quản lý, duy trì 6 hồ trên địa bàn quận; Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm UBND quận chỉ đạo các phòng ban theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch duy trì các hồ và phối hợp với Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội hàng ngày duy trì vệ sinh môi trường đối với 6 hồ trên đảm bảo vệ sinh môi trường.
NĐT: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xin bà chia sẻ về tình trạng phân loại và xử lý rác của các hộ dân trên địa bàn quận?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: Hiện nay, việc thu gom, phân loại rác tại các hộ dân trên địa bàn chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai thực hiện thí điểm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với Chung cư Royal City.
Toàn bộ rác thải sinh hoạt sinh hoạt phát sinh hàng ngày từ các hộ dân được người dân tự phân loại ngay tại nhà. Tại mỗi phòng gom rác thuộc các tầng của Tòa nhà, Ban Quản trị Chung cư trang bị 2 loại thùng rác (thùng rác màu vàng để chứa rác vô cơ, thùng rác màu xanh để chứa rác hữu cơ) và gắn biển hướng dẫn việc phân loại rác để người dân thực hiện. Hàng ngày, người dân tự phân loại rác ngay tại nhà và mang rác ra phòng gom rác để vào các thùng rác theo hướng dẫn của Tòa nhà.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại có một số khó khăn do nhiều hộ dân có trẻ nhỏ và người giúp việc chưa nhận thức được về cách thức phân loại rác tại nơi phát sinh nên còn tình trạng để lẫn rác hữu cơ và rác vô cơ.
Toàn bộ rác phát sinh hàng ngày tại các tầng của Tòa nhà sau khi được phân loại sẽ được tập kết tạm thời tại các địa điểm trung chuyển. Tại đây, công nhân thu gom chỉ phân loại, thu nhặt những phế liệu có thể tái chế, tái sử dụng được (chai nhựa, bao bì, giấy vụn, kim loại,..). Còn lại toàn bộ rác thải sinh hoạt được chuyển lên xe chuyên dụng về khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố.
NĐT: Xin bà cho biết phía UBND quận đã hoạt động, phối hợp như thế nào với các đơn vị chuyên trách và các cơ quan liên quan để thực hiện việc phân loại, xử lý và thu gom rác thải tại nguồn?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: UBND Quận cùng các sở, ban, ngành, các quận, huyện tham gia Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án phân loại rác thải tại nguồn và tham khảo mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại huyện Đông Anh do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Theo đó, các hộ dân chủ yếu phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà, toàn bộ rác hữu cơ được người dân tự xử lý làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Tuy nhiên, mô hình này không thực hiện được đối với quận Thanh Xuân do mật độ dân cư đông, quỹ đất cho trồng trọt không có nên rất khó thực hiện.
NĐT: Xin bà cho biết UBND quận Thanh Xuân có những phương án tuyên truyền như thế nào về việc bảo vệ môi trường nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt nói chung đến người dân?
Bà Đỗ Thị Thanh Mai: UBND Quận luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động: tổng vệ sinh khu phố, dân cư vào sáng thứ bảy hàng tuần;
Thực hiện ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ kinh doanh mặt đường trục chính. Việc ký cam kết góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Nguyễn Nam - Hoàng Bích