UNDP Việt Nam vừa tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề Mối quan hệ giữa Quyền con người và Biến đổi khí hậu tại Hà Nội chiều 18/10.
Buổi thảo luận là sự kiện tiếp nối hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tổ chức này cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì hồi tháng 7.
Buổi hội thảo thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhiều học giả, nhà ngoại giao, doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế. Nội dung hội thảo tập trung vào việc làm thế nào để phát triển một môi trường xanh, công bằng, và bền vững với trọng tâm là các nguyên tắc bình đẳng và quyền con người.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, UNDP đã giới thiệu một tài liệu chính sách được thực hiện theo sáng kiến của tổ chức này dựa trên cam kết giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Nghiên cứu của UNDP đưa ra khuôn khổ quyền con người phù hợp với các hiệp ước nhân quyền cốt lõi của Liên hợp quốc và thể hiện tác động của biến đổi khí hậu đến việc thụ hưởng các quyền đó.
Quyền con người và Biến đổi khí hậu
“Môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là nền tảng của cuộc sống. Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để các thế hệ hôm nay và mai sau được hưởng các quyền con người”, bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Theo nghiên cứu của UNDP, biến đổi khí hậu đã được công nhận là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến việc thụ hưởng các quyền con người. Năm 2015, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lớn nhất cho sự tồn vong của loài người và đe dọa quyền con người trên toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường mà còn đối với cuộc sống của các cá nhân và cộng đồng nếu không có biện pháp giảm phát thải khí nhà kính về 0, và sự nóng lên toàn cầu không được duy trì ở mức dưới 2 độ C.
Trong khi đó, pháp luật về nhân quyền giúp xác định và đánh giá những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với quyền con người. Các quy định khung về quyền con người cũng giúp phân tích các tác động của chính sách, chương trình liên quan đến khí hậu đối với quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương (như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật).
Luật nhân quyền cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình và lỗ hổng trong việc thực thi luật pháp quốc tế về khí hậu.
Việc lồng ghép quyền con người vào các chính sách và các biện pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng góp phần thúc đẩy các quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền được bảo vệ đời tư, gia đình, quyền tiếp cận thông tin, quyền không bị phân biệt đối xử, v.v.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam cần tích hợp những phân tích về tác động của biến đổi khí hậu lên quyền con người vào các phân tích tác động chính sách rộng hơn.
Với việc phê chuẩn các công ước về nhân quyền cốt lõi như Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), cũng như Thỏa thuận chung Paris, Việt Nam cần lồng ghép các đánh giá tác động đến quyền con người vào công tác đánh giá chung về tác động chính sách hành động vì khí hậu khi thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), bà cho biết.
“UNDP cam kết hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam để đảm bảo việc lập kế hoạch thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn về quyền con người”, bà Khalidi khẳng định.
Bà Khalidi cho rằng Việt Nam cần huy động ý tưởng đổi mới sáng tạo, ý kiến chuyên môn và quan hệ hợp tác cần thiết nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Bà cũng cho rằng tiếng nói của phụ nữ, thanh niên, người di cư, người dân tộc thiểu số, học giả và các tổ chức xã hội là rất quan trọng đối với các kết quả chính sách bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên đặt con người làm trung tâm của quá trình hoạch định chính sách, để đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau”, bà Khalidi khuyến nghị.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần lồng ghép quyền của phụ nữ và bình đẳng giới vào trong tất cả các chính sách, kế hoạch và hành động liên quan đến khí hậu, đồng thời công nhận và đảm bảo các quyền của người bản địa, chẳng hạn như các quyền đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên.
"UNDP nhiệt tình ủng hộ cam kết của Việt Nam về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tiến tới đạt được mục tiêu đó một cách bao trùm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, theo bà Khalidi.