Về vấn đề cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng, Đức không được phép nhượng bộ hay chịu ảnh hưởng của các quốc gia nào khác cho dù đó là Nga hay Mỹ. Đức không phải là tiểu bang thứ 51 của Mỹ”, tờ RT dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Đức-Nga, Matthias Schepp tuyên bố.
Theo cơ quan này, đường ống Nord Stream 2 cung cấp khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Âu. Dự án này đã tạo ra 30.000 việc làm và có tầm quan trọng lớn đối với các doanh nghiệp châu Âu, vì khoảng 670 công ty châu Âu từ các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm cả các công ty vừa và nhỏ đều tham gia vào Nord Stream 2.
Các đường ống sẽ tạo ra năng lượng có sẵn nhiều hơn cho các ngành công nghiệp Đức vì quốc gia này có mức thuế cao đối với các nhà máy sản xuất. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp và cả các hộ gia đình tư nhân đều sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Rainer Seele, Chủ tịch Phòng Thương mại và Giám đốc Điều hành công ty dầu khí OMV của Áo cho biết, nhu cầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU sẽ tăng lên.
Ông giải thích rằng nhu cầu bùng nổ dựa trên việc giảm sản lượng ở châu Âu cũng như cắt giảm than của Đức. Do đó, việc nhập khẩu năng lượng đáng tin cậy với giá cả hợp lý là cần thiết và đó là điều khiến Nord Stream 2 trở nên quan trọng đối với châu Âu.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là một liên doanh giữa Gazprom, Nga với 5 công ty năng lượng chính của châu Âu. Dự án dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất đường ống hiện tại là 55 tỷ mét khối mỗi năm và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Một số ý kiến tin rằng, dự án này bị Mỹ gây sức ép vì nước này muốn bán thêm năng lượng cho châu Âu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích các nhà chức trách Đức “bị người Nga giam cầm” và Washington sau đó đã ép các đồng minh châu Âu từ bỏ dự án đường ống, đe dọa sẽ trừng phạt các công ty tham gia vào đó.
Kiều Trang