Theo Cục Kiểm lâm, tổng diện tích đất có rừng ở Việt Nam hiện nay là hơn 15,3 triệu ha, chiếm 40,8% tổng diện tích đất. Đến nay, diện tích rừng được chính thức giao cho cộng đồng quản lý chỉ chiếm khoảng 5,1% tổng diện tích rừng của cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý lại lớn hơn rất nhiều, ước chiếm khoảng 20% tổng diện tích rừng ở Việt Nam. Cục Kiểm lâm lý giải, ngoài diện tích rừng giao trực tiếp cho cộng đồng quản lý thì còn có diện tích rừng tạm giao cho các xã quản lý và giao lại cho cộng đồng.
Người dân đánh số cây để bảo vệ rừng
Rừng và đất rừng do cộng đồng quản lý được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, phân thành 3 loại: Rừng và đất rừng do cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống tự nhiên từ nhiều đời nay; Rừng và đất rừng được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng; Rừng và đất rừng do các tổ chức, cơ quan nhà nước, các nông lâm trường giao cho cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố trong cả nước có rừng đều khẳng định, giao rừng cho cộng đồng quản lý có vai trò nhất định trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy: rừng được cộng đồng quản lý thì số vi phạm cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ là rất ít. Cộng đồng còn bảo vệ được diện tích rừng đã giao không để xảy ra xâm lấn và hầu hết các vụ vi phạm cây lấy gỗ đều được phát hiện và xử lý, như ở các thôn: Lũng Vài, Lũng Các (Cao Bằng); Bản Lằn (Sơn la); Suối Lông (Lạng Sơn); thôn Vài (Hòa Bình)… Theo các chuyên gia, để bảo vệ rừng cộng đồng, dứt khoát phải dựa vào cộng đồng. Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Trưởng Ban quản lý dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng Quảng Trị cho biết: “Rừng phải để cho dân quản lý, hưởng lợi từ những thành quả sinh lợi từ việc quản lý, bảo vệ, phát triển đó. Điều quan trọng mà chúng tôi mong muốn và dự án hướng tới là cần làm cho dân, đặc biệt là cho đồng bào nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi bảo vệ rừng của họ. Từ những giá trị mang lại từ hoạt động giao rừng cộng đồng để nhân rộng nâng cao hiệu quả và triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết trong thời gian tới”.
Các địa phương cho rằng: Giao rừng cho cộng đồng quản lý là một hình thức thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng. Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Người dân bảo vệ rừng và được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng, từ đó một chuỗi các giá trị lợi ích sẽ được mang lại từ việc giao rừng cho cộng đồng quản lý thông qua dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng này.
Ông Nguyễn Huy Tuấn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN – PTNT Sơn La) nhận xét, nhận thức quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng tham gia dự án đã nâng lên rõ rệt. Các chủ rừng ở đây là cộng đồng các thôn bản thông qua các hoạt động của dự án đã chủ chủ động xây dựng các kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, quy ước quản lý rừng cộng đồng và tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng.
Lễ cúng rừng của người Mông ở Thái Niên (Bảo Thắng) được tổ chức thường niên trên địa bàn xã mỗi dịp đầu xuân, thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với các vị thần linh cai quản rừng, cũng là hình thức bảo vệ rừng hiệu quả.
Tuy nhiên, trong hoạt động chăm sóc và phát triển rừng thì ở hầu hết các cộng đồng đều chưa được chú trọng. Theo ý kiến của người dân, thì do hướng dẫn chăm sóc rừng còn rất chung chung nên không phù hợp với đặc thù của mỗi vùng miền. Kinh phí để hỗ trợ cho phát triển rừng ở cộng đồng cũng còn quá thấp, chỉ từ 10 nghìn - 20 nghìn đồng/ngày công.
Trong khi đó, theo TS Phạm Xuân Phương (Bộ NN&PTNT), rừng giao cho cộng đồng phần lớn là rừng nghèo, ở vùng sâu vùng xa, hạ tầng thấp nên nguồn thu từ rừng rất hạn chế. “Trên thực tế, cộng đồng dân cư tự tổ chức quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ rừng để trang trải các chi phí liên quan đến việc bảo vệ rừng, khi phí hỗ trợ của nhà nuowcs rất hạn hẹp. Thậm chí ở một số nơi do không có nguồn thu từ rừng nên hàng năm cộng đồng phải đóng góp tiền hoặc ngày công cho bảo vệ rừng”, ông Phương nói. Ở một số địa phương, từ năm 2010 đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ phát triển rừng nên không có động lực để tiếp tục chăm sóc rừng.
Tại các địa phương thực hiện việc giao rừng cho cộng đồng quản lý cũng đã đề xuất: Cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý quản lý rừng theo cộng đồng. Hình thức quản lý rừng theo nhóm hộ cần được chính thức công nhận trong các văn bản pháp quy để tạo cơ sở pháp lý triển khai trên thực tế. Việc giao đất rừng cho cộng đồng cần tránh áp đặt, rập khuôn mà nên thiết lập theo quy trình cơ chế “mở” để cộng đồng và địa phương tự thảo luận, lựa chọn hình thức quản lý rừng. Cần nhanh chóng triển khai hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng ở những nơi có lưu vực và tăng hỗ trợ bảo vệ phát triển rừng. Xây dựng và điều chỉnh quy ước quản lý rừng cộng đồng để tăng hiệu lực bảo vệ rừng; giao rừng gắn với hỗ trợ và giám sát.
TS Nguyễn Nghĩa Biên (Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng) đề nghị, nên mở rộng khái niệm về quản lý rừng cộng đồng theo hướng: Quản lý rừng của cộng đồng; Quản lý rừng dựa vào cộng đồng; Đồng quản lý rừng; Quản lý rừng theo nhóm hộ. Khái niệm về sử dụng rừng cũng cần được mở rộng, như: Khai thác lâm sản, các giá trị dịch vụ môi trường rừng (điều tiết nước, bảo vệ đất, kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí thải carbon REDD+…), bảo tồn đa dạng sinh học. Cộng đồng dân cư có rừng cộng đồng cũng phải được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của nhà nước; Được chuyển đổi rừng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh trồng rừng; thếp chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng với các tổ chức, cá nhân để kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp
Nhạc Văn Phi