Dự báo La Nina lại sắp xuất hiện, Biển Đông có thể đón 2 cơn bão trong tháng 10
Trong bản tin dự báo mùa mới nhất, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, từ tháng 10 - tháng 12, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thời tiết khu vực Biển Đông, mang lại nhiều thách thức trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai.
Đáng nói trong điều kiện La Nina, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, từ tháng 10 - tháng 12, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trung bình khoảng 4 - 5 cơn; trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền trung bình là 1,9 cơn.
Cơ quan khí tượng dự báo, tính riêng tháng 10, Biển Đông có thể đón 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoặc nhiều hơn. Đáng chú ý, tỉ lệ đổ bộ của những cơn bão này vào đất liền cũng cao hơn so với trung bình của tháng 10 là 0,8 cơn/tháng
Dự báo thời tiết từ tháng 10 - tháng 12, tỉ lệ số cơn bão đổ bộ đất liền cũng được dự báo xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN (TBNN 1,9 cơn). Đáng chú ý, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Bên cạnh đó, mùa mưa tại khu vực Trung bộ có khả năng tập trung chính vào tháng 10 - tháng 11 và kết thúc muộn hơn bình thường giống như mùa mưa ở Tây nguyên và Nam bộ (khoảng nửa cuối tháng 12).
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão ở miền Trung nên tình hình mưa, bão ở khu vực này khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.
Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, nhất là ở các vùng núi cao, nơi có tính chất đất không ổn định.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng cho hay, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với TBNN).
Vì sao năm nay xuất hiện nhiều siêu bão?
Theo các nhà khí tượng, đầu tiên biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất và cường độ của các cơn bão nhiệt đới. Sự nóng lên toàn cầu khiến nhiệt độ nước biển tăng cao, làm cho quá trình bốc hơi nước diễn ra mạnh mẽ hơn, góp phần tăng sức mạnh và kéo dài thời gian tồn tại của các cơn bão, khiến chúng trở nên nguy hiểm và khó lường hơn.
Năm 2024 chứng kiến sự chuyển pha nhanh chóng từ hiện tượng El Nino sang La Nina, gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng về nhiệt độ và độ ẩm trong đại dương. Quá trình này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nguồn năng lượng, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới. Hiện tượng nóng lên nhanh chóng của đại dương được coi là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những cơn bão mạnh và bất thường, góp phần làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, theo Thanh Niên.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - có những phân tích về điều kiện khí tượng, các yếu tố biến đổi khí hậu khiến siêu bão ngày càng nhiều.
"Chúng ta có thể thấy rõ biến đổi khí hậu làm Trái đất ấm hơn. Nhiệt độ biển tăng thêm là điều kiện lý tưởng để hình thành bão mạnh và siêu bão.
Điều kiện để một cơn bão hình thành là nhiệt độ biển từ 27 độ C trở lên. Nhiệt độ càng cao thì năng lượng nuôi bão càng nhiều. Trên các đại dương thời điểm đó lại không có vật cản, không có không khí lạnh. Các cơn bão cứ vậy 'ngấu nghiến' năng lượng rồi mạnh lên nhanh chóng", bà Lan nói.
Theo nhận định của bà Lan, với diễn biến này siêu bão sẽ còn xuất hiện nhiều. Có thể không phải trong năm nay, nhưng các năm tới nữa tần suất sẽ dày hơn.
Đánh giá về các cơn siêu bão gần đây, bà Lan cho biết cấu trúc bão tốt, đối xứng, mắt bão rõ. Với những yếu tố trên, bão trở nên rất mạnh, giữ cường độ trong thời gian dài không bị suy yếu.
Dự báo cường độ không khí lạnh trong mùa đông năm nay
Dự báo từ tháng 11-12, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng giảm nhiệt độ nhẹ, thấp hơn khoảng 0,5 độ.
Từ cuối tháng 12, Bắc Bộ có thể đối mặt với các đợt rét đậm kéo dài, tương tự các năm trước. Không khí lạnh sẽ tiếp tục gia tăng tần suất trong tháng 1-2/2025, gây rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc và xuất hiện băng giá, sương muối và thậm chí mưa tuyết ở vùng núi.
Trúc Chi (t/h)