Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy”

Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy”

Hoàng Thanh Lâm

Hoàng Thanh Lâm

Thứ 6, 22/07/2022 18:28

Barcelona đang bắt đầu mang đến sự hứng thú cho người hâm mộ bằng hàng loạt thương vụ chuyển nhượng Hè này. Thế nhưng điều này có cho thấy, họ đã trở lại?

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy”

 

Mùa hè bận rộn của Barcelona

Barcelona đã đưa các Culé đi qua mọi cung bậc cảm xúc trong mùa Hè năm nay. Ban đầu, việc khó khăn về tài chính khiến cho khả năng theo đuổi các bản hợp đồng lớn bị đặt dấu hỏi. Trong khoảng 2-3 tuần đầu từ khi thị trường chuyển nhượng Hè mở cửa, khi những Man City, Liverpool liên tiếp “nổ” những bom tấn, thì Barca vẫn loay hoay với báo cáo tài chính mà chưa tham gia vào thị trường chuyển nhượng.

Thế nhưng chỉ sau hơn 1 tuần giữa tháng 7, câu chuyện lại đi theo chiều hướng hoàn toàn khác. Đầu tiên, Barca ký thành công 2 thương vụ chuyển nhượng tự do, gồm Franck Kessie và Andreas Christensen. Đây là bộ đôi đã quyết tâm không gia hạn hợp đồng với CLB chủ quản để tới với Nou Camp, nhưng Barca đã phải chờ đợi khá lâu để chính thức sở hữu.

Bản hợp đồng đáng chú ý đầu tiên mang tên Raphinha từ Leeds. Thành công này đánh dấu việc Barca vượt qua Chelsea để ký hợp đồng với cầu thủ người Brazil. Mới nhất, Robert Lewandowski cũng đã khoác lên mình chiếc áo sọc đỏ-lam. Tiền đạo đến từ Ba Lan còn vội vã đến mức chỉ có màn ra mắt ở Miami (Mỹ), nơi Barca đang tập huấn.

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 2).

 

Cùng với việc làm mới hợp đồng với Ousmane Dembele và mang về Pablo Torre trước đó từ Racing Santander, Barcelona đã có trong tay 5+1 “tân binh” cùng phí chuyển nhượng xấp xỉ 100 triệu euro. Trong những ngày tới, những cầu thủ mới hoàn toàn có thể gia nhập thêm đội bóng xứ Catalan. Tất cả phụ thuộc vào khả năng đàm phán của giới chóp bu CLB.

Đội hình “siêu khủng” trong tay Xavi

Những sự thay đổi chắc chắn sẽ đến với Barca với các tân binh của họ. Điều này khác biệt hoàn toàn so với năm trước, khi Blaugrana thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu quân. Khi đó, hàng loạt gương mặt trẻ từ Barca B bị “ép chín” để cho lên đội 1. “Trong họa có phúc”, bởi điều này tạo cơ hội cho Gavi, Nico Gonzalez, Abde Ezzalzouli có cơ hội tỏa sáng.

Trong tay HLV Xavi hiện tại đang có ít nhất 2 đội hình tương đối chất lượng, hoàn toàn có thể xoay tua cả mùa. Ở hàng phòng ngự, sự có mặt của Christensen giúp Barca có 4 trung vệ chất lượng, bên cạnh Pique, Araujo cùng Eric Garcia. Sự lo lắng phần nào đến ở 2 biên, khi Jordi Alba đã lớn tuổi, Alex Balde chưa kinh nghiệm còn Sergi Roberto cùng Dest không quá ổn định.

Hàng tiền vệ sẽ có thêm “chất thép” của Franck Kessie, bên cạnh những “nghệ sĩ” như Pedri, Gavi. Điều này cũng giúp Sergio Busquets giảm tải phần nào áp lực. Cùng với đó, Pablo Torre cũng là cái tên sáng giá. Và nếu như Frenkie de Jong ở lại, tuyến giữa của “Gã khổng lồ xứ Catalan” không còn gì để chê.

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 3).

 

Trên hàng công, việc Lewandowski gia nhập có thể giải quyết được khâu ghi bàn. Còn Raphinha mang đến sức sống mới ở hành lang cánh phải. Đây là những thứ Barca còn thiếu ở mùa giải vừa qua. Ngoài ra, các tân binh cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định cho các vị trí, dẫn đến việc HLV Xavi sẽ được phép dùng nhiều phương án hơn.

Sơ đồ 4-3-3 ưa thích vẫn sẽ được chiến lược gia người Tây Ban Nha áp dụng. Tuy vậy, HLV Xavi cũng có thể sử dụng các biến thể như 4-4-2, 4-2-3-1 hay thậm chí là 4-2-4 với 4 tiền đạo, tùy từng tình huống. Chắc chắn đây là dàn cầu thủ có chiều sâu nhất cho Barca trong 2 mùa giải gần nhất. 

Nhưng, tiền đâu ra để mua?

Dàn tân binh ồ ạt đổ bộ, đội bóng liên tục thắng giao hữu, nhưng chừng đó vẫn chưa khiến không ít những CĐV thấu hiểu đội bóng yên tâm. Điều này không phải thiếu cơ sở, vì nên nhớ rằng chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Barca từ 1 “con nợ” đã chi đến 100 triệu euro, ký mới đến 6 tân binh, và chưa có dấu hiệu dừng lại trên thị trường chuyển nhượng.

HLV Julian Nagelsmann của Bayern Munich đã bày tỏ sự hoài nghi: “Barcelona có lẽ là đội bóng duy nhất không có tiền nhưng vẫn sở hữu mọi cầu thủ họ mong muốn, không chỉ riêng Robert Lewandowski. Tôi không biết họ làm cách nào nhưng điều này thực sự kỳ lạ, thậm chí điên rồ.”

Thắc mắc của nhà cầm quân người Đức cũng giống như nhiều CĐV bóng đá. Xin thưa, Barca có tiền, hay nói đúng hơn là đã xoay sở để có tiền. Số tiền thu về đến từ nhiều nguồn, bao gồm việc cho Spotify thuê lại tên sân, đổi tên thành Spotify Nou Camp, rồi kích hoạt những “đòn bẩy kinh tế” từ thương hiệu.

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 4).

 

Mới nhất, Barca vừa kích hoạt “đòn bán” lần 2, khi chuyển nhượng 15% bản quyền truyền hình La Liga trong 25 năm tới để thu về 400 triệu euro. Tổng số tiền sau 2 lần bán thương hiệu (Barca Studio) và bản quyền đã giúp Blaugrana có 550 triệu euro. Giờ đây, CLB sẽ có khoảng 200 triệu euro để mua sắm cũng như trả những món nợ còn tồn đọng.

BLĐ Barca đang đánh cược tương lai

Với những người ngoài, việc kiếm tiền nhanh của Barca là điều kỳ diệu. Nhưng thực tế, họ đang đánh cược tương lai vào những “đồng tiền giông bão”. Một cách ví von, có vẻ tương đối khập khiễng, nhưng Barcelona túng quẫn như… chị Dậu, phải “bán con, bán chó cho nhà Nghị Quế để lấy tiền nộp sưu”, nộp những món nợ mà “kẻ tội đồ” Josep Bartomeu cùng bộ sậu cũ đã gây ra.

Nói nôm na rằng, Barca đang “bán mình” và “bán tương lai”. Nếu như việc trao tên sân Nou Camp có tuổi đời gần 70 năm cho một thương hiệu mới thành lập năm 2006 chỉ khiến một số người “nhăn trán cau mày”, thì việc đổi những thương hiệu riêng của đội bóng cùng phần bản quyền truyền hình thực sự trở thành mối lo.

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 5).

 

Thử tưởng tượng, 15% bản quyền truyền hình của Barca trong 25 năm tới sẽ không thuộc về đội bóng. Số liệu kinh doanh cho thấy, hằng năm CLB này thu về khoảng 175,5 triệu euro ở khoản này. Và nếu đồng tiền không mất giá, trên lý thuyết Barca sẽ mất trắng gần 700 triệu euro tương lai, để đổi lấy khoảng 400 triệu euro hiện tại. Đây chẳng khác gì một khoản vay nóng, mà cộng đồng mạng Việt Nam thường gọi là “bát họ”.

Thông thường, một CLB chẳng dại gì tham gia vào hợp đồng CVC này. Chính Barca cũng đã phản đối La Liga, khi giải đấu số 1 Tây Ban Nha ra chính sách tương tự ở mùa giải trước. Điểm tiêu cực được nhìn thấy rõ, khi CLB sẽ không được toàn quyền quyết định lợi nhuận tương lai chảy vào túi họ. Đồng thời, sẽ tồn tại rủi ro, vì giá bản quyền truyền hình là thứ có thể thay đổi được. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại thì không còn cách nào khác cho họ cả.

Giờ đây, đội bóng xứ Catalan đang chuyển từ quy tắc “làm 3, tiêu 1” sang “làm 1, tiêu 1”. Tức là số tiền chi có thể ngang bằng số thu về. Chưa dừng lại ở đó, Barca còn muốn có thêm “đòn bẩy thứ 3” để gia tăng lợi nhuận lên cao nữa. Nếu như điều đó trở thành sự thật, họ sẽ khiến giảm khoản nợ 1,3 tỷ euro, cân đối quỹ lương và có thể giữ lại Frenkie de Jong.

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 6).

 

Lại nói trường hợp của Frenkie de Jong. Nhiều NHM cho rằng Barca đang quá bạc bẽo với tiền vệ người Hà Lan khi muốn đẩy anh đi để thu về khoảng 80 triệu euro, đồng thời muốn “quỵt” số tiền giao kèo về lương (khoảng 14 triệu euro). Frenkie được coi là “thủ lĩnh tương lai” của Barca, và anh cũng rất yêu CLB. Việc cố tình để cầu thủ này ra đi cũng đồng nghĩa với khả năng Blaugrana sẽ mất đi một tiền vệ tài năng mang tính biểu tượng.

Nhân sự khủng chưa chắc đi kèm chuyên môn 

Và điều quan trọng hơn cả, Barca có mạnh hơn không khi các tân binh ồ ạt chuyển về Nou Camp? Thực tế nếu như so sánh với mùa giải trước, động thái liên tục chuyển nhượng mang đến một đội hình dày hơn, có chiều sâu hơn cho các tuyến. 4/5 các tân binh cho đến lúc này đều đã chứng minh được thực lực của họ ở CLB cũ, thậm chí đã vươn đến hàng siêu sao như Lewandowski.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ cũng sẽ thấy một vài vấn đề mà HLV Xavi cần phải giải quyết. Quan trọng hơn cả, các tân binh sẽ hòa nhập thế nào với đội bóng mới. Christensen khi ở Chelsea mùa trước không thể hiện được quá nhiều. Franck Kessie sẽ cần định hình 1 phong cách, thay vì tự do di chuyển vừa theo dạng tiền vệ mỏ neo, vừa dâng cao kiểu con thoi như ở AC Milan. 

Bóng đá Tây Ban Nha - Barca chuyển nhượng rầm rộ: Hổ thật hay… “hổ giấy” (Hình 7).

 

Với Raphinha và Lewandowski, hàng công của Barca sẽ tỏ ra tương đối chật chội, với những Ansu Fati, Dembele, Ferran Torres, Aubameyang hay Depay còn ở đó. Raphinha đang ở độ “chín” nhất của sự nghiệp, nhưng Lewandowski đã 34 tuổi. Dù tiền đạo người Ba Lan là chân sút hàng đầu của bóng đá thế giới ở vị trí của mình, nhưng tuổi tác vẫn là mối lo cho cầu thủ này.

Như đã đề cập, mùa giải trước khó khăn nhân sự nhưng Barca cũng có cơ hội cho những tài năng trẻ thể hiện và vụt sáng. Tuy nhiên với những sự xuất hiện mới, cơ hội ra sân cho những Ezzalzouli, Marmol, Alvaro Sanz gần như bằng không. Pablo Torre hay Nico Gonzalez cũng hơi thua thiệt so với phần còn lại. Chưa kể, dàn cầu thủ cần thanh lý sớm như Braithwaite, Pjanic, Umtiti, Mingueza, Puig cũng có thể là gánh nặng thêm cho phòng thay đồ CLB.

Nhìn chung, Barca ở mùa giải tới vẫn rất đáng chờ đợi, dù họ còn gặp nhiều vấn đề. HLV Xavi cùng các cộng sự sẽ có rất nhiều điều phải làm trước khi bóng lăn trở lại ở La Liga. Chưa kể, việc World Cup 2022 cũng khiến các kế hoạch bị gián đoạn 1 tháng. Trong bối cảnh đội bóng xứ Catalan đã quyết tâm “tất tay”, họ sẽ không được phép sai lầm ở bất kỳ phương diện nào.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.