1.Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Barca đã từng đặt niềm tin vào các HLV người Hà Lan (Johan Cruyff, Louis van Gaal, Frank Rijkaard), Argentina (Cesar Menotti, Helenio Herrera), Serbia (Radomir Antic), và thậm chí là người Anh (Terry Venables), nhưng chỉ có các HLV Hà Lan thực sự thành công. Danh sách các HLV vĩ đại từng dẫn dắt Barca nhưng chưa từng… vô địch Liga có “triết gia bóng đá” Menotti, cha đẻ của Catenaccio, ông Herrera, hay nhà cầm quân lão làng Bobby Robson.
Barca là một ẩn số mà người giỏi chưa chắc đã trả lời được. Những tố chất bóng đá của người Catalunya là rất đặc biệt, nhưng làm thế nào để phát huy nó thì chỉ người Hà Lan tìm ra. Bắt đầu từ hạt giống mà Johan Cruyff đã gieo vào năm 1988, chỉ sau gần ba thập niên, Barca trở thành một trong những thế lực bóng đá đáng nể nhất trong lịch sử, khi tìm ra một con đường phù hợp.
Barca có dám chọn lại Roura như đã chọn Tito?
Con đường ấy là gì? “Đã từng có thời, chúng tôi la ó cầu thủ khi họ chuyền bóng về cho thủ môn, và một tiền vệ cánh dốc biên rồi lại không tạt bóng vào trong” – Carles Rexach, trợ lý của Cruyff 25 năm về trước, nhớ lại. Nhưng Cruyff đã thay đổi tất cả: Thủ môn trong hệ thống của Barca chơi như một hậu vệ quét, dùng chân thành thục, còn cả đội sẽ chơi bóng ngắn, cố gắng kiểm soát nó và ít sử dụng những quả tạt.
Đó là thứ bóng đá đã thay đổi lịch sử Barca. Sau này, các HLV Hà Lan đến đây chỉ thừa hưởng một phần triết lý ấy, như Rijkaard và van Gaal nhiệm kỳ đầu, cũng đều thành công. Barca đi đến tột đỉnh vinh quang với Pep Guardiola, một học trò của Cruyff, và có lẽ là người con La Masia xuất sắc nhất từ trước đến nay.
2.Pep không những giỏi, mà còn là người phù hợp nhất. Tito Vilanova sau này cũng đã vô địch Liga ngay mùa đầu tiên nắm quyền, đơn giản vì ông là người phù hợp, dù không phải là một nhà cầm quân thực sự xuất sắc, và thậm chí còn phải vật lộn với khối u tuyến mang tai cả mùa trước.
Xavi, Busquets và thậm chí là Iniesta, hay Pep Guardiola trước đây, có thể đã không nổi bật đến thế, nếu họ rơi vào một hệ thống thi đấu khác, trong một thời đại khác. Chính Pep đã thừa nhận rằng vào đầu thế kỷ XX, những tiền vệ “số 4” kiểu như ông không còn đất dụng võ, vì hệ thống thịnh hành khi ấy là 4-4-2 ưa thích các tiền vệ có khả năng tranh chấp, hơn là chuyền bóng và điều tiết.
Nói thế để thấy rằng những phẩm chất của người TBN nói chung và cầu thủ trưởng thành từ La Masia nói riêng có đặc tính khu biệt đến thế nào: Ai cũng biết điểm mạnh nhất của họ là kỹ thuật và tư duy chơi bóng, nhưng chỉ khi Cruyff hệ thống hóa và áp dụng vào một lối chơi với những tiêu chí cụ thể, đồng thời xây dựng lại cách đào tạo của La Masia để duy trì nó, thì thành công mới đến.
3.Điều đó đặt ra thách thức cho Barca khi bắt tay vào tìm kiếm một HLV mới. Đó sẽ là một người phù hợp, trưởng thành trong lòng Camp Nou và thấm nhuần những giá trị cốt lõi của đội bóng này như Pep, Tito (và sắp tới là Enrique?), hay là một HLV tài năng có tư tưởng cách tân và dám phá bỏ những gì trì trệ ở nơi đây?
Lịch sử đội bóng này giống như một quá trình đào thải những yếu tố “ngoại lai” (không phải về mặt quốc tịch, mà về phong cách), nhưng cho đến thời điểm này, vòng tròn khép kín của họ đã cho thấy sự lỗi thời, và bản thân người Catalunya cũng không còn tin tưởng vào nó tuyệt đối nữa (họ đã bán Thiago và không ít tài năng trẻ khác trong vài năm qua, và mùa Hè này đã mua Neymar).
Đây là thời khắc lịch sử của Barca, và họ sẽ phải cân nhắc đến giải pháp hy sinh cả bản sắc để tiếp tục thành công.
Theo Thể thao Văn hóa