Báo Lao Động đưa tin, ngày 5/5, thông tin từ Trạm kiểm dịch Dốc Xây – Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa phối hợp cũng các đơn vị chức năng tiến hành bắt giữ lượng lớn lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi khi đang trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, vào khoảng 15h30 ngày 4/5, Trạm kiểm dịch Dốc Xây (đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tiến hành kiểm tra chiếc xe tải mang BKS 90C-02481. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 11 con lợn và nghi có dấu hiệu làm giả giấy tờ kiểm dịch để đưa vào Nghệ An tiêu thụ.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Trạm kiểm dịch Dốc Xây đã thông báo cho các huyện trong tỉnh cảnh giác, đề phòng với các trường hợp làm giả giấy tờ kiểm dịch.
Theo thông tin trên giấy tờ kiểm dịch (nghi làm giả), tất cả số lợn bị bắt giữ có nguồn gốc từ tỉnh Hà Nam.
Đến khoảng 20h cùng ngày, tại Trạm kiểm dịch Dốc Xây, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Thanh Hóa bắt xe tải mang BKS 47C-04688 khi đang chở 220 con lợn vào tỉnh Đồng Nai tiêu thụ.
Cũng trong ngày, tại các huyện Tĩnh Gia và Nông Cống đã bắt giữ 2 xe chở lợn có dấu hiệu làm giả giấy tờ kiểm dịch đi vào địa bàn để tiêu thụ.
Sau khi có kết quả xét nghiệm số lợn trên dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.
Đáng lưu ý, theo thông tin ban đầu, những chiếc xe trên đều có giấy tờ kiểm dịch ghi nguồn lợn được xuất đi từ tỉnh Hà Nam vào ngày 4.5. Tuy nhiên, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Hà Nam cho hay, trong ngày 4.5, không có xe chở lợn nào được đơn vị này chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện vận chuyển ra ngoại tỉnh.
Trước đó, báo Dân Trí cho hay, tại cuộc tọa đàm trực tuyến về "Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn" tổ chức tại Hà Nội chiều 19/3, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT) khẳng định, toàn bộ số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi đều đã bị tiêu huỷ, không “lọt” ra thị trường.
"Các đàn lợn, sản phẩm thịt lợn được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan thú y nên người dân yên tâm sử dụng. Khi vùng nào đó công bố dịch thì địa phương quản lý rất chặt đều có các trạm chốt chặt kiểm dịch. Bản thân người chăn nuôi cũng là thành phần tham gia giám sát" - ông Long nói.
Cập nhật đến cuối tháng 3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, của 84 huyện, thuộc 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 65.000 con.
Đến cuối ngày 8/4/2019, thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công bố thông tin đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện công bố hết dịch và khẳng định dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế.
H.Y (tổng hợp)