Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp bắt giữ 40 tấn hàng lậu trong 2 toa hàng của Đoàn tàu SE19 đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng.
Kiểm tra ban đầu cho thấy có gần 200 kiện hàng với khoảng 40 tấn hàng nhập lậu gồm quần áo, vải vóc và giầy dép, ước tính giá trị lô hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết số hàng hóa này đều không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc bắt giữ 40 tấn hàng lậu trong 2 toa hàng của Đoàn tàu SE19 đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng nói trên, PV đã liên lạc với bà Phùng Thị Lý Hà - Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội. Bà Hà cho biết, những thông tin này, phía công ty cũng mới nắm được và đang cho các phòng ban phối hợp với lực lượng chức năng trong đó làm rõ thông tin.
Tuy nhiên, theo bà Hà, với toa hàng trên đoàn tàu SE19 thì không thể chứa tới hơn 40 tấn được, chỉ có thể là 14 tấn hàng mà thôi. Bà Hà cũng nói thêm: "Đây không phải là bắt giữ lô hàng mà các lực lượng chức năng tạm giữ lại lô hàng để kiểm tra thông thường".
Trước câu hỏi của PV về quy trình nhận và vận chuyển hàng hóa có kẽ hở nào khiến hàng lậu “xâm nhập” được vào các toa hàng không? Bà Hà khẳng định: "Quy trình nhận chuyển hàng hóa là rất chặt chẽ trước khi lên toa. Cụ thể, khách hàng, chủ hàng khi gửi hàng phải tự kê khai đầy đủ và cam đoan thông tin hàng gửi là đúng, nhất là về chủng loại, hàng có đủ hóa đơn giấy tờ hợp pháp, không phải hàng quốc cấm, hàng cấm lưu thông, dễ cháy, chất nổ, hóa chất độc hại…
Quy trình quản lý hàng hóa trước khi lên tàu cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Cụ thể, khách đến nhà ga gửi hàng hóa sẽ phải xuất trình hóa đơn. Sau đó, khách phải làm tờ khai hàng hóa gồm những loại nào và chịu trách nhiệm pháp lý về hàng hóa. Sau đó, nhân viên sẽ kiểm tra thùng hàng nếu phát hiện nghi vấn. Tiếp theo, hàng hóa được chuyển đến kho và phân bổ đến các toa".
Trước đó, cũng qua công tác nắm tình hình và địa bàn, các lực lượng chống buôn lậu đã dừng và phát hiện hơn 70 tấn hàng lậu trên một chuyến tàu sắt Bắc – Nam. Số hàng hóa này phần lớn là điện thoại di động, đồng hồ, quần áo, giày dép, thuốc tân dược, phần lớn không có hóa đơn chứng từ. Điều đáng nói, đây lại là lô hàng được bắt giữ trên tuyến vận chuyển bằng đường sắt - một tuyến giao thông hàng hóa được kiểm tra khá gắt gao.
Những sự việc kể trên đang đặt ra câu hỏi, liệu có hoạt động "bảo kê" hàng buôn lậu trên tuyến đường sắt này và nếu đi đúng tuyến thì hàng buôn lậu kia có được vận chuyển trót lọt?
Theo nhận định của cơ quan hữu trách, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh...
Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là tổ chức mang vác hàng qua khu vực đường biên vào ban đêm. Khi hàng “vượt biên” trót lọt, các đối tượng sử dụng xe tải, xe khách hoán cải vận chuyển vào sâu trong nội địa các tỉnh như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội); Bắc Ninh.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự vụ này.
Vi Hậu