Khu tái định cư không người ở
Từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào Tây Nguyên lập nghiệp, hàng chục hộ người dân ở làng Lơ Bơ, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai được tạo điều kiện sinh sống tại khu tái định cư (xã Chư Krêy). Song hiện nay, khu tái định cư này trở nên đìu hiu, vắng vẻ bởi người dân không mặn mà với nơi ở mới.
Ông Triệu Sinh Thành, Phó Trưởng thôn Lơ Bơ đã chuyển về ở tại làng cũ để tiện thu hái hơn 1ha cà phê. Ông Thành cũng như nhiều gia đình khác, bỏ lại ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trong khu tái định cư cách đó chừng 3km để sống gần nương rẫy.
“Mình ở đây quen rồi, đất đai rộng rãi có thể nuôi thêm con gà, con heo, chứ ở khu tái định cư không nuôi được. Ở làng cũ đất đai màu mỡ còn trồng được cây cà phê, gia đình cũng tiện trông nom, bảo quản, còn khu tái định cư bất tiện lắm”, ông Thành chia sẻ.
Tại khu tái định cư, những ngôi nhà có diện tích khoảng 30-40m2 thưng bằng ván gỗ, mái lợp tôn hầu hết đều cửa đóng then cài. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, bị xuống cấp. Một số nhà còn trở thành chuồng bò hoặc được gia chủ “cho thuê” với giá 0 đồng để giữ nhà, đất.
Theo ông Thành, khu tái định cư có 43 hộ nhưng hiện chỉ có khoảng 10 hộ sinh sống. Một số hộ đi cạo nhựa thông ở xa, 1 năm chỉ về đôi lần vào dịp Tết, còn hầu hết đã quay về làng cũ. Chúng tôi tuân thủ quy định của Nhà nước, đồng ý về khu tái định cư ở để được cấp sổ đỏ nhưng thâm tâm vẫn muốn về làng cũ. Ở làng cũ, đường sá khá thuận lợi, lũ trẻ đến trường cũng khoảng 3km chứ không xa xôi gì”.
Trò chuyện cùng PV Người Đưa Tin, anh Đặng Thắng Hoa cho hay: "Tôi ở Bắc Kạn mới vào đây không lâu. Chưa có đất đai, nhà cửa nên tôi mới xin ở nhờ chủ căn nhà này. Chủ nhà ở trong làng cũ nên giờ chỉ có mình tôi. Họ cho ở miễn phí, chủ yếu để nhà có người trông nom. Gọi là khu tái định cư nhưng ở đây buồn lắm".
Vận động người dân quay về
Tại tỉnh Kon Tum vào thời điểm năm 2009, chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử. Riêng huyện Đăk Glei chịu tổn thất vô cùng nặng nề khi đất đai, hoa màu của người dân cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Trước tình hình cấp bách, UBND huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng khu tái định cư thôn Măng Rao, thuộc xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei. Dự kiến, dự án sẽ bố trí cho 64 hộ dân thôn Đăk Đoát có nguy cơ sạt lở được ổn định cuộc sống.
Theo đó, dự án khu tái định cư Măng Rao được đầu tư 16 tỷ đồng và được xây dựng trên diện tích khoảng 2 héc ta. Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được cấp 300m2 đất và hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời tài sản.
Để xây một căn nhà với diện tích 42m2 (gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ) chi phí khoảng 28 triệu đồng, sau khi bàn bạc mỗi hộ thống nhất đóng góp thêm 8 triệu đồng.
Năm 2012, dự án bắt đầu triển khai, đến năm 2013 thì hoàn thành với hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện thắp sáng, đường bê tông, nước sạch được xây dựng, lắp đặt về tận khu tái định cư. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn về ở, do rẫy nương canh tác xa nên tất cả các hộ dân đã quay về làng cũ sinh sống.
Sau gần 10 năm bỏ hoang, khu tái định cư Măng Rao bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mái tôn, xà gồ, cánh cửa chính, cửa sổ, xuyên hoa sắt của 64 căn nhà bị tháo bỏ, để lại khung tường xây trơ trọi, hoang tàn.
A Nhông, 36 tuổi, hộ dân duy nhất đang sống tại khu tái định cư cho biết: “Ngày xưa gia đình sinh sống tại thôn Đăk Đoát, do ảnh hưởng của trận lũ năm 2009 nên đất đai bị lũ cuốn trôi hết. Gia đình không có đất ở và đất sản xuất nên quyết định về tại khu tái định cư này sinh sống”.
A Nhông kể: “Thời điểm 2 vợ chồng cùng 2 đứa con dắt nhau về đây ở, ngôi nhà trống huơ trống hoác, nhà chỉ có mỗi tường. Tất cả tôn, xà gồ, cửa sắt... đã bị tháo trộm hết. Rồi 2 vợ chồng phải vay mượn người thân để lợp tôn, xây thêm bếp, đóng lại gạch nền”.
A Nhông cho biết thêm: “Trước đây cũng có mấy hộ về đây ở, nhưng do nhà cách xa làng cũ nên việc đi lại sản xuất rất bất tiện. Ở được vài ba tháng, các hộ đó lại dọn hết đồ đạc về làng cũ. Do không có người ở, các ngôi nhà đến nay xuống cấp nghiêm trọng”.
Dẫn chúng tôi thăm quan những ngôi nhà trong khu tái định cư, A Nhông trầm tư: “Về đây, chúng tôi không được cấp đất sản xuất nên không biết làm gì ăn. Hằng ngày, để nuôi gia đình tôi phải đi làm thuê khắp nơi nhưng cũng không đủ ăn và học hành cho các cháu. Nếu có đất ở làng cũ, chắc gia đình tôi cũng sẽ về đó mà ở thôi”.
Trao đổi với PV, bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pek cho biết: “Trước đây, khi dự án tái định cư hoàn thành có 10 hộ dân tự nguyện di dời về đây sinh sống. Tuy nhiên, được một thời gian thì các hộ này lại quay về làng cũ. Hiện cả khu tái định cư chỉ còn 1 hộ duy nhất”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đăk Pek, nguyên nhân khiến các hộ dân không về ở là do khu tái định cư xa đất sản xuất nên rất bất tiện mỗi lần lên nương, làm rẫy. Bên cạnh đó, người dân ở làng cũ họ theo tín ngưỡng tôn giáo nên khi về đây họ rất khó khăn mỗi khi sinh hoạt tôn giáo.
“Trước mắt chúng tôi cũng phối hợp với phòng ban chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân thôn Đăk Đoát về đây ở. Bên cạnh đó, một phần đất nằm trong dự án khu tái định cư Măng Rao sắp tới cũng sẽ bố trí cho các hộ dân tại xã Đăk Pek bị ảnh hưởng của thiên tai, không còn đất ở”, bà Y Kim Lý cho hay.