Tháng 12/2017, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình thủy lợi suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện một số dự án cấp bách phòng chống, khắc phục tình trạng hạn hán xâm nhập mặn. Đây là công trình do ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là ban Nông nghiệp) làm chủ đầu tư; công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đường Việt (TP.Đà Nẵng) tổ chức khảo sát, thiết kế.
Dự án được xếp vào nhóm dự án cấp bách và thực hiện từ năm 2016-2021, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/3/2021. Mục tiêu của dự án là tạo nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội trong khu vực nói riêng và của tỉnh nói chung.
Theo tính toán ban đầu, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên thành 2 vụ trong năm. Bên cạnh đó, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.
Thế nhưng, cuối tháng 3/2021, công trình thủy lợi Suối Đá vẫn chưa thể hoàn thành. Hàng chục hecta lúa, cây công nghiệp của người dân địa phương hai bên kênh rơi vào tình trạng bị khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Trao đổi về vấn đề này, chị Vàng Thị Séng (trú tại thôn 9, xã Quảng Hòa) cho biết, trước đây, khi chưa thi công dự án, người dân ở đây vẫn gieo được lúa, nước dẫn tận ruộng nhờ kênh dẫn cũ. Thế nhưng, hiện nay, kênh bị khoét sâu xuống lòng đất, có đoạn âm tới 10m khiến người dân phải dùng máy bơm hút nước vào ruộng.
Tương tự, anh Tráng A Tống (trú tại thôn 12, xã Quảng Hòa) cũng cho hay, khi còn con kênh cũ, miệng kênh luôn cao hơn mặt ruộng, nước từ hồ chứa dẫn về là đổ trực tiếp vào ruộng. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khi thi công công trình thủy lợi Suối Đá, kênh lại được đặt dưới lòng đất, thấp hơn 3m so với mặt ruộng. Do vậy, cánh đồng rộng gần chục hecta gần như bị bỏ hoang vì nước không thể dẫn về. Lúa còi cọc, chậm phát triển do “khát nước”, nhiều hộ dân đành phải để trâu bò vào ăn.
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án nói trên, vào cuối tháng 3/2021, ban Nông nghiệp đã có báo cáo gửi HĐND tỉnh Đắk Nông. Theo nội dung báo cáo, ban Nông nghiệp cho biết, do điều kiện thi công tuyến kênh phức tạp, địa chất thay đổi liên tục, mặt bằng tổ chức thi công chặt hẹp, hố móng sâu giao động từ 6-9m so với mặt đất tự nhiên. Do đó, dẫn đến tiến độ thi công không đáp ứng được theo tiến độ hoàn thành trước ngày 31/3/2021 tại công văn 4740/UBND-KTN của UBND tỉnh Đắk Nông.
Để đảm bảo hoàn thành những khối lượng công việc còn lại, ban Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xem xét cho gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng cho phần khối lượng công việc còn lại đến ngày 30/6/2021. Ban này cũng khẳng định, việc gia hạn này không ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp nước mùa khô năm 2021.
Ngày 29/3, đoàn công tác của HĐND tỉnh Đắk Nông do ông Y Quang B’Krông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát từng hạng mục Công trình thủy lợi suối Đá.
Tại buổi khảo sát, ông Phan Vận, Phó Giám đốc ban Nông nghiệp cho biết, hiện công trình đã thi công được khoảng 95% khối lượng công trình, thanh toán hơn 70 tỷ đồng. Tất cả hạng mục công trình đều được tính toán rất kỹ, có máy bơm hỗ trợ nên không có chuyện nước không dẫn tới vùng hạ lưu. Đây là kênh dẫn nước tới các hồ chứa, người dân phải dùng máy bơm hút lên tưới nước trong thời gian chưa có kênh mương nội đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh khẳng định: "Không có lý do gì, kênh dẫn nước chạy ngang nhưng ruộng lại “khát nước” và dân phải đầu tư máy bơm hút nước lên tưới. Với người dân xã nghèo nhất tỉnh, mấy hộ có điều kiện để đầu tư máy bơm nước?".
Ông Y Quang B'Krông khẳng định, nhu cầu tưới tiêu của người dân địa phương là rất lớn. Không thể nói ruộng đồng không nằm trong quy hoạch nên không cấp nước. Kênh chạy qua ruộng mà ruộng không có nước thì rất bất hợp lý và cần phải xem lại.
Khánh Ngọc