Lâm sản tang vật vụ án phơi mưa nắng 10 năm
Tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) có bãi gỗ gồm 77m3 là tang vật vụ án xảy ra từ năm 2014. Do vướng quy định, bãi gỗ tang vật nằm phơi nắng, phơi mưa cả 10 năm trời.
Gỗ bị nứt nẻ, hư hỏng, nhiều cây bị mục nát gây lãng phí, thất thoát tài nguyên. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả ngày đêm phải trông coi bãi gỗ tang vật suốt thời gian dài.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: "Sau 10 năm trời cắt cử nhân viên túc trực trông coi bãi gỗ tang vật này, mới đây Công an huyện đã tổ chức bán đấu giá thành công cho một đơn vị, nhưng tang vật vẫn chưa vận chuyển đi. Gỗ để phơi nắng phơi mưa, hư hỏng gần hết, không những gây lãng phí tài nguyên, lực lượng trông coi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vì vướng quy định đành chấp nhận".
Theo ông Chung, trong suốt thời gian 10 năm, đơn vị cắt cử nhân viên "ăn ngủ" cùng với bãi gỗ tang vật này. Bất kể ngày đêm, mưa gió, anh đều cùng các cán bộ khác tuần tra, canh giữ bãi gỗ. Ngoài việc sợ mất trộm, nguy cơ hỏa hoạn từ đám cháy ở các nương rẫy lan sang bãi gỗ rất cao vào mỗi mùa nắng nóng.
Theo quy định, số tang vật này là tài sản của cơ quan chức năng thuộc huyện Đăk Tô. Công an huyện Đăk Tô đã đề nghị UBND huyện Đăk Tô kiến nghị, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý số gỗ này. Tuy nhiên, theo quy định, khối lượng gần 77m3 gỗ vượt mức thuộc thẩm quyền của huyện. Do vướng quy định, trải qua hơn 10 năm trời đến nay mới đưa ra bán đấu giá được.
Lâm sản quý ngã đổ tự nhiên mục nát theo thời gian
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), có quần thể rừng hương cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, giá trị đắt đỏ trên thị thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão, nhiều cây bị bật gốc ngã đổ.
Nhưng do vướng quy định, phải giữ nguyên hiện trạng như ban đầu từ cành, nhánh, thân, không ai được đụng chạm đến. Điều này gây ra muôn vàn khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ.
Ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: "Trong lâm phần đơn vị quản lý, có một số cây gỗ già cỗi bị ngã đổ, bên cạnh đó một vài cây do ảnh hưởng của mưa bão bị quật ngã bật gốc. Tuy nhiên, do vướng quy định nên cây ngã đổ như thế nào thì phải giữ nguyên hiện trạng như thế.
Nhiều khi để người địa phương họ lấy đi một vài cành nhánh, anh em làm nhiệm vụ trông coi bị kỷ luật kiểm điểm. Có những cây hương nếu tính giá thị trường hiện nay hàng tỷ đồng bị ngã đổ hơn 5 năm.
Mưa bão, đất đá vùi lấp khiến cây bị mục, hư hỏng rất lãng phí. Nhiều khi anh em muốn có cơ chế cho thu gom, đưa về đơn vị dễ bề quản lý, hơn nữa bảo quản được gỗ, giữ được giá trị cao. Nhưng quy định không cho phép".
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện chưa có quy định nào cho phép tận thu, khai thác những cây hương bị ngã đổ do thời tiết.
Đây là một điều rất bất cập, gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ, gây thất thoát nguồn tài nguyên. Trong các cuộc họp, Chi cục kiểm lâm đều báo cáo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Gia Lai đề nghị sửa đổi luật, nhưng phải chờ ý kiến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn".
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ông Vũ Quang Sáng, Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: "Theo chỉ đạo của tỉnh Uỷ Gia Lai tại chương trình số 38 Ctr/TU ngày 29/3/2017 thực hiện chỉ thị số 13 CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh "thực hiện nghiêm. dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên (kể cả tận thu và tận dụng)".
Do đó, chiếu theo quy định bất kể là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hay rừng sản xuất cũng vậy nếu có trường hợp cây gãy đổ tự nhiên, như bị bật gốc, gãy ngang thân theo quy định đều phải giữ nguyên hiện trạng".
Theo ông Sáng, với những cây gỗ có giá trị thấp, khi bị gãy đổ để vài năm trong rừng sẽ bị mục nát hư hỏng. Nhưng đối với gỗ quý như gỗ hương để nhiều năm trời khó mục, do đó gây nhiều khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng.
Anh em không thể nào, lúc nào cũng có mặt 24/24 để canh gác được, trong khi đó người địa phương khi thấy không có lực lượng bảo vệ sẽ đốn hạ một vài cành nhánh nhỏ, vương vãi trên mặt đất, khi phát hiện mất mát thì anh em lại bị kỷ luật kiểm điểm đây là điều rất bất cập.
Theo Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh: Không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng; Được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ; hành chính của rừng đặc dụng; Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.