Bất cập trong hoạt động của cơ quan điều tra

Bất cập trong hoạt động của cơ quan điều tra

Thứ 3, 06/08/2013 15:37

Một số đơn vị cảnh sát điều tra khép kín có nhiều quyền năng; nếu không tự kiểm tra, thanh tra, chế ước lẫn nhau thì rất dễ dẫn đến tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án, để lọt tội phạm.

Nhiều đề xuất về đổi mới tổ chức các cơ quan tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp đã được nêu ra tại hội thảo quốc tế do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 5/8.

Theo ông Nguyễn Văn Luật (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 còn bộc lộ một số nhược điểm. “Thực tế cho thấy việc quy định cơ quan an ninh điều tra có thẩm quyền điều tra 13 tội như hiện nay là chưa phù hợp. Một số cơ quan khác không có điều tra viên cũng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng không phù hợp. Sự tồn tại nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra ở nhiều bộ, ngành cũng dẫn đến vướng mắc, bất cập, làm giảm hiệu quả của hoạt động điều tra", ông Luật nói.

Ba phương án tổ chức cơ quan điều tra

Trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an) cũng cho rằng: “Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập như thiếu quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động điều tra, còn chồng chéo trong phân công giữa chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng về hoạt động tố tụng hình sự”.

Ông Đạt nhìn nhận một số đơn vị cảnh sát điều tra khép kín có nhiều quyền năng như vừa là cơ quan áp dụng biện pháp nghiệp vụ và đấu tranh trấn áp tội phạm, vừa là cơ quan có chức năng xử lý vi phạm hành chính, vừa là cơ quan điều tra tội phạm theo trình tự tố tụng. “Nếu không tự kiểm tra, thanh tra, chế ước lẫn nhau thì rất dễ dẫn đến tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án, để lọt tội phạm”, ông Đạt thẳng thắn.

Từ đó, ông Đạt đưa ra 3 phương án tổ chức cơ quan điều tra sau năm 2015: Thứ nhất là giữ nguyên mô hình như hiện nay nhưng có sự điều chỉnh một bước đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục các hạn chế. Phương án này có ưu điểm là không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức, sự phối hợp được thuận lợi và đáp ứng tối ưu về yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, nhược điểm là chưa tinh gọn được bộ máy.

Thứ hai là thành lập một cơ quan điều tra trong công an nhân dân, tổ chức theo ba cấp hành chính. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân chỉ thực hiện nhiệm vụ điều tra theo tố tụng. Nhiệm vụ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, công tác trinh sát và tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu giao cho các đơn vị khác thực hiện.

Thứ ba là thành lập cơ quan điều tra trong công an nhân dân với hai đầu mối gồm: Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Về Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục giữ nguyên như hiện nay. Còn Cơ quan Cảnh sát điều tra thì thành lập Cục Điều tra tổng hợp chuyên trách điều tra theo tố tụng. Các cục cảnh sát điều tra như hình sự, kinh tế, ma túy... chỉ làm công tác nghiệp vụ cơ bản, sau đó chuyển lên Cục Điều tra tổng hợp chuyên trách xử lý tiếp. Hệ thống công an cấp tỉnh, huyện cũng được tổ chức tương tự.

Chuyển VKS thành Viện Công tố?

Theo ông Nguyễn Văn Luật, việc được tổ chức theo đơn vị hành chính như hiện nay đã ảnh hưởng tới sự độc lập của VKS. Về phần ngành tòa án, có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm (63 Ủy ban thẩm phán, 5 tòa chuyên trách của TAND Tối cao và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao) đã dẫn đến tình trạng không tập trung, áp dụng pháp luật không thống nhất, làm cho một vụ án bị kháng nghị nhiều lần, việc giải quyết kéo dài.

TS Trần Hồng Nguyên (Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương) nhận xét: Một số địa phương chưa quán triệt đầy đủ, đúng đắn mục đích của việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Vẫn còn có ý kiến cho rằng không nên tổ chức TAND sơ thẩm khu vực vì “xa dân”, “tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng”... Mặt khác, vẫn còn có ý kiến đề xuất thành lập một số VKSND khu vực không theo địa hạt của TAND sơ thẩm khu vực.

Theo TS Nguyên, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tổ chức TAND theo thẩm quyền xét xử, không theo đơn vị hành chính, đồng thời nghiên cứu chuyển VKSND thành Viện Công tố và tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra.

Tăng cường cơ hội tiếp cận công lý

Ông Bakhodir Burkhanov (Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc) chia sẻ: “Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường cơ hội tiếp cận công lý cho tất cả người dân và đưa luật pháp đến gần hơn với người dân. Bởi lẽ tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận công lý vẫn còn tồn tại, chỉ có 20% số người bị kết tội có luật sư bào chữa, phần đông phụ nữ ở Việt Nam bị bạo hành thế nhưng chưa tới 1% trường hợp được xem là vụ án hình sự”.

Trong khi đó, luật sư Charles Greenfield (Giám đốc các chương trình dân sự của Hiệp hội bảo vệ và trợ giúp pháp lý quốc gia Hoa Kỳ) khuyến nghị: “Các bạn cần phải nâng cao sự giám sát của Quốc hội đối với bộ máy tư pháp. Chẳng hạn, trong quá trình phê chuẩn, bổ nhiệm thẩm phán cần phải bảo đảm tất cả thẩm phán phải có đầy đủ năng lực, được đào tạo bài bản. Mặt khác, Ủy ban Tư pháp phải cùng các ủy ban khác của Quốc hội thường xuyên xem xét lại ngân sách của bộ máy tư pháp”.

Theo Pháp luật TP HCM

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.