Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Nhà nước kêu gọi người dân nâng cao tinh thần tự giác, hạn chế tụ tập nơi đông người. Hà Nội đã cấm bar, karaoke, quán vỉa hè từ 0h ngày 1/8. Tuy nhiên, phớt lờ lời kêu gọi và việc cấm quán vỉa hè, nhiều người dân vẫn lơ là, chủ quan. Thậm chí, nhiều hàng quán vẫn mở tràn lan.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai (21 tuổi) cho biết: "Mình cũng biết tình hình dịch đang rất căng thẳng. Nhưng khi đi ra đường mình vẫn thấy mọi người khá bình thường, hàng quán vẫn mở và đông đúc. Thấy vậy, nên mình cũng nảy sinh tâm lý khá chủ quan.”
Để xác minh và ghi nhận thực trạng trên, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt ở khu phố Tạ Quang Bửu. Con phố này được ví là “thiên đường ẩm thực” của các bạn sinh viên ba trường Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có mặt tại khu phố lúc 23h đêm ngày 16/8, các hàng quán ven đường vẫn rất đông đúc.
Có những quán ăn phải xếp hàng, chen chúc nhau mới có chỗ ngồi. Tiếp đó, 3h sáng ngày 16/8, PV Người Đưa Tin Pháp luật có mặt ở ngã tư Hàng Đường – Hàng Chiếu, nơi có những gánh phở thơm lừng cả con phố. Phở Gánh được coi là một món ăn đêm thu hút thực khác, song không phải cảnh đông nghịt người ngồi tràn vỉa hè ăn đêm gây bất an và ái ngại trong mùa dịch.
Bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát, các bạn trẻ vẫn liều lĩnh “thử một lần cho biết”. Họ tụ tập đông người thành từng hàng dài để thưởng thức món phở nức danh Hà Nội, những dãy bàn xếp san sát nhau, nói cười rôm rả để chờ thưởng thức bát phở nóng. Dường như mùi thơm của nồi nước dùng đã làm mọi người quên đi sự tồn tại của dịch bệnh. Khung cảnh trên có lẽ sẽ rất đẹp nếu như không đang trong mùa dịch bệnh. Nét đẹp Hà Nội sẽ nhân văn và có ý nghĩa hơn nếu chúng ta có ý thức bảo vệ mình và cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Một địa điểm ăn đêm nổi tiếng khác đó là "Bánh mỳ Dân tổ". Quán chỉ mở từ 3h nhưng nhiều bạn trẻ đã phải xếp hàng từ 2h để chờ đợi mua được chiếc bánh mì. Đoàn người chen chúc, xô đẩy nhau mua bánh mì vì chỉ sợ đến lượt mình sẽ hết. Nhưng chúng tôi lại thấy lo sợ vì chưa mua được bánh mì, đã “mua” được nguy cơ mắc bệnh vào người.
Những biện pháp phòng chống dịch bệnh như giãn cách 1m, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, rửa tay xịt khuẩn… chỉ còn là lý thuyết. Điều đó dễ dàng bị lãng quên bởi sự bất chấp của cuộc vui chơi tụ tập, của gánh phở…hay của đồng tiền.
Tính mạng, sức khỏe của chính mình và người thân dường như đang được đánh đổi bằng sự ích kỷ cá nhân. Đầu tháng 8, nước ta đã “kích hoạt” chỉ thị 16 ở một số địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu: “Từ 0h ngày 1/8, tất cả quán bar, karaoke trên địa bàn Hà Nội đều phải dừng hoạt động; cấm tuyệt đối các hàng quán vỉa hè; nhà hàng, siêu thị thực hiện giãn cách”. Tuy nhiên, đến nay những quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong vẫn mở rộng rãi, công khai và “sầm uất”.
Người dân dường như đang thờ ơ trước dịch bệnh. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta “ngủ quên trên chiến thắng”, ỷ lại vào công tác phòng chống dịch của nhà nước. Diệt “giặc” Covid 19 là cuộc chiến chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, cần sự đoàn kết, có ý thức của tất cả mọi người. Tự bảo vệ chính mình cũng là góp phần bảo vệ cộng đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Người Đưa Tin Pháp Luật ghi nhận được:
Bài và ảnh: Kim Ngân-Lê Nga