"Nửa đêm, khi thuốc ngủ nhạt đi em mới lơ mơ mở mắt ra được. Phòng sau có một ông già đã nhờn thuốc ngủ, ông đang làm động tác như đang hành quân... Đêm nào ông ấy cũng “hành quân” từ lúc tờ mờ sáng. Em sợ ông già ấy. Em sợ tiếng hô hành quân.
Em sợ cả cái dãy nhà u ám toàn những người tỉnh táo thì khuôn mặt âu sầu, và những người điên thì cười nói la hét cả ngày. Nước mắt em chảy trong câm lặng. Em không điên, nhưng người ta đang nghĩ em điên"...- Những dòng tâm sự của chàng trai trẻ đồng tính 19 tuổi ở Hà Nội khiến nhiều người không kìm được sự xúc động...
“Con đồng tính, chứ con không điên”
Cách đây không lâu, trong lúc trà dư tửu hậu bên lề đường phố Sài Gòn với một người bạn trong giới nghệ thuật lấn sân sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tôi được nghe câu chuyện về chính gia đình chị. Hai vợ chồng đều là những người quanh năm tất bật với công việc, đến thời gian chăm sóc con cũng hạn chế.
Tuy nhiên, thời gian chừng một năm trở lại đây, anh chị ăn không ngon ngủ không yên khi thấy đứa con trai đầu lòng cứ "là lạ", trông yếu ớt và ẻo lả, tính tình dịu dàng như con gái trong khi "bố nó thì đầy nam tính, mẹ cũng là người quả quyết thì sao con trai lại như vậy được".
Chị để ý nhiều hơn đến con, thỉnh thoảng đọc trộm nhật ký và theo dõi con trên mạng xã hội thì mối nghi ngờ lại càng lớn hơn: Con chị bị đồng tính.
Nghĩ rằng do thời tiết Sài Gòn nóng khiến cho những người có nguy cơ cao như con mình dễ bị "chuyển tính", từ "7 vía" tăng thêm lên "8 vía" nên anh chị đang rục rịch chuẩn bị, chỉ chờ con trai tốt nghiệp cấp 3 là cho đi du học ở một trường đại học ở Úc, nơi thời tiết mát mẻ hơn, con anh chị sẽ ổn định được giới tính của mình.
Niềm tin của anh chị càng lớn khi đi xem bói, thầy bói cũng bảo phải chuyển môi trường sống cho con, nếu không "bị mất con là đương nhiên".
Đồng tính không phải là một bệnh và không cần chữa trị, cộng đồng người đồng tính vẫn hi vọng xã hội có cái nhìn cởi mở hơn - Ảnh Maika.
Tôi chạnh buồn bởi lẽ, cả hai anh chị bạn đều là trí thức, đã từng du học nước ngoài, cũng đang nắm giữ những chức vụ nhất định trong xã hội. Buồn vì những suy nghĩ sai lầm như vậy. Nếu ở những người có học thức, môi trường sống thấp hơn, những suy nghĩ sai lầm này còn đến mức nào.
Nghe chuyện buồn của chàng trai trẻ 19 tuổi ở Hà Nội như đã kể ở trên, nhiều người không cầm được giọt nước mắt xót thương. Bố mẹ rất thương H., từ nhỏ đã dành cho con sự chăm sóc đặc biệt, nên khi thấy con “thích giai”, bố mẹ lại tự đổ là do mình chiều chuộng, bao bọc con quá nên khiến con trở nên nữ tính.
Tìm cách chạy thầy chạy thuốc khắp nơi nhưng vẫn không "tiệt được con bệnh", bố mẹ H. mới nghĩ con có vấn đề về thần kinh. H. đã hết sức phân trần với bố mẹ là cậu không có vấn đề gì nhưng càng phân trần lại càng bị cho là bệnh nên H. đành phải theo lời của bố mẹ đi điều trị tại khoa tâm thần của một bệnh viện lớn tại Hà Nội.
Bố mẹ mòn mỏi đưa con trai yêu vào bệnh viện để chữa trị, nhìn bố mẹ lo âu, bản thân H. cũng "quắt ruột" lại vì thương. Ở bệnh viện, theo phác đồ điều trị, không hiểu sao H. ngủ rất nhiều, gần như ngủ li bì. "Như thế cũng đỡ chị ạ, ngủ nhiều em có thể quên đi nhiều thứ, quên đi được cả nỗi nhớ, quên đi được nỗi buồn.
Em sợ nhất là những lúc tỉnh, nhìn những người xung quanh mình rồi lại nhớ, nhớ chuyện vui thì ít mà nhớ chuyện buồn thì nhiều. Em chỉ muốn gào lên, con đồng tính chứ con không điên". Hàng xóm, bạn bè cũng không ai biết H. phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Hết thời gian 2 tháng, bệnh viện cho H. về, em cũng cố gắng để tỏ ra nam tính hơn để xem như là "khỏi bệnh". "Em sống mà cứ như không sống, chân không chạm đất vậy. Phải giả vờ có tình cảm với con gái, cảm giác cứ như mình đang tự cắn vào nỗi đau của mình vậy", H. nói.
Trường hợp như H. không phải là chuyện hiếm trong cộng đồng người đồng tính (LGBT). Những câu chuyện thương tâm, thậm chí là những cái chết vì sự nghi kị, sự đồn thổi, kì thị ngoài xã hội đã đành, đến những cái chết về tinh thần vì "căn bệnh" và cách chữa trị sai lầm trong gia đình cũng trở nên nhức nhối nhiều hơn.
Bà Ly, một phụ huynh ở TP.Hồ Chí Minh cho biết khi biết con trai mình bị đồng tính, gia đình rất lo lắng. Nghe người ta mách ăn gạo lứt, muối mè sẽ làm giảm yếu tố "âm", tăng yếu tố "dương" trong người nên bắt con ăn ròng rã trong thời gian dài.
Đến một nhà tâm lý thì được nghe khẳng định giới tính của một người cho đến năm 21 tuổi mới được đóng khung nên vợ chồng bà vẫn tiếp tục hi vọng vì đứa con mới đang học cấp 3. Đến khi con chuẩn bị thi đại học, bà Ly phát hiện đứa con đang quen một cậu bé ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà tìm cách phối hợp với mẹ cậu bé để chia cắt đôi bạn trẻ. "Con tôi bực tức, cầm con dao đi đi, lại lại. Tôi hỏi nó, nó nói: "Con hận ai đó phá chuyện của con". Tôi tức giận mắng, con tôi khóc lóc xin lỗi. Thế nhưng tôi phá đứa này, nó lại quen đứa khác. Lúc đó tôi đã nghĩ con mình sao bệnh hoạn thế", bà Ly khóc kể lại.
Bà Ly, một phụ huynh LGBT kể lại chuyện chữa trị sai lầm cho con bị đồng tính.
Những "hành trình" vào bệnh viện tâm thần của người đồng tính
Hiện nay, khi xã hội đã cởi mở hơn về việc chấp nhận giới tính thứ ba, tuy nhiên những định kiến về vấn đề này vẫn không phải một sớm một chiều mà hết. Sự kì thị đã là một đằng, những suy nghĩ sai lầm về cộng đồng người đồng tính lại là một nhẽ khác.
Mặc dù tổ chức y tế thế giới (WHO) đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh từ năm 1990 nhưng cho đến nay, nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh có con là người đồng tính vẫn nỗ lực tìm cách chữa trị cho con với hy vọng "thoát bệnh". Những suy nghĩ sai lầm như vậy đã dẫn đến những câu chuyện bi hài kịch chảy ra nước mắt mà đối tượng bị tổn thương nhất vẫn là những người thuộc giới tính thứ ba.
Một người cha có con gái bị đồng tính khiến nhiều bậc phụ huynh phải giật mình cay đắng. Tin rằng con gái mình yêu nữ vì nó chưa nếm trải mùi đàn ông, ông bố đã bố trí để bạn trai ngủ với con gái hi vọng con mình sẽ quay lại yêu nam bình thường. Vợ chồng tôi không biết vì sao mà con gái tôi lại từ chối một đứa tốt như thế.
Thằng này còn biết lấy lòng cả hai ông bà già chúng tôi nữa chứ. Đằng nào chúng nó cũng thành vợ thành chồng nên tôi cho phép Hoàng (tên chàng trai) ở với con gái mình mong là nó sẽ quay trở lại đời sống của một đứa con gái bình thường", người cha này tâm sự. Chính cách ép uổng như vậy khiến nhiều người đồng tính bị đẩy vào bước đường cùng, tìm cách giải thoát bằng tự tử.
Nhẹ nhàng hơn thì những áp lực bên ngoài, từ phía gia đình và xã hội khiến nhiều người càng ngày càng thu mình lại trong vỏ ốc tự bản thân mình tạo ra. Sự mặc cảm lớn dần khiến nhiều khi họ cũng tưởng rằng mình có vấn đề về thần kinh. Nhiều người không chịu đựng được đã "hoá điên", trầm cảm nặng khiến con đường vào bệnh viện tâm thần ngày càng gần hơn.
Không phát dại, cũng phát rồ
Trò chuyện với ông Lê Quang Bình, Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và môi trường (ISEE) kể lại: "Cách đây không lâu, một em gái ở Hải Dương gọi điện đến cầu cứu chúng tôi vì cha mẹ bắt em phải điều trị trong bệnh viện tâm thần để chữa đồng tính. Em rất hoảng sợ và không biết phải làm như thế nào.
Nếu cứ để lâu, e rằng không tâm thần cũng sẽ bị tâm thần mất". Phần lớn những "bệnh nhân tâm thần" đồng tính đều là những người ít tiếp xúc và có giao lưu với cộng đồng người đồng tính nên việc "cầu cứu" cũng trở nên khó khăn hơn, việc thuyết phục và làm công tác tâm lý cho gia đình cũng gặp nhiều trở ngại. Cộng đồng chỉ biết khi sự đã rồi.
Do tâm lý hoảng loạn, áp đặt và bối rối trước sự thật về giới tính của con, nhiều bậc phụ huynh đã ép con vào những bước đường cùng. Cho dù giải thích thế nào, nhiều người vẫn cố tự dối lòng về khả năng chữa
Đỗ Huệ