Còn khi đã liên quan đến vấn đề tài sản, thừa kế, thì cả dâu lẫn rể đều là “khách” dù có thể họ hiếu thảo với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ hơn cả con đẻ và vai trò của họ được cả dòng tộc công nhận. Đây có phải là sự bất công mà pháp luật cần lưu ý?.
Là con dâu đừng mong thừa kế
Là mẹ chồng nhưng bà Bùi Thị Bún ở thành phố Hải Dương có tiếng là thương con dâu. Mọi người thắc mắc, bà chỉ cười hiền: “Mình đã từng đi làm dâu, nên thương con dâu âu cũng là lẽ thường thôi”. Nhưng cũng chính vì lòng thương đó mà giờ đây, gia đình bà Bún đang ngấp nghé rơi vào cảnh kiện tụng.
Chuyện là căn nhà bà Bún và vợ chồng người con trai trưởng đang ở là do công sức hai vợ chồng tạo dựng nên, đã được cấp sổ đỏ mang tên hai vợ chồng.
Chồng bà Bún đã qua đời cách đây hai chục năm. Từ ngày chồng qua đời, bà Bún đau ốm liên miên, có lần bị tai biến còn nằm liệt giường cả năm trời.
Những lúc đó, chỉ một tay vợ chồng người con trai trưởng đang ở với bà, nhất là cô con dâu chăm sóc. Còn những người con khác chỉ đáo qua hỏi thăm vài câu rồi thôi, không giúp đỡ gì cả về công sức lẫn tiền bạc.
Đầu năm 2013, thấy sức khỏe mình bắt đầu suy yếu dần, bà Bún quyết định họp gia đình. Bà cho các con biết ý định của mình là căn nhà vốn của chung cha mẹ nên giờ sẽ chia đôi, phần của mẹ dành cho vợ chồng người con trưởng đã chăm sóc bà lâu nay, còn phần của cha dành cho những người con còn lại.
Đang vui vẻ, không khí buổi họp gia đình bỗng lặng đi, sau đó là tiếng xì xào: Anh chị ấy cho mẹ ăn bùa mê thuốc lú để chiếm tài sản rồi/ Con dâu khác họ làm gì có quyền thừa kế mà xía vào đây… Bà Bún nghe thấy mà đau lòng. Bà quyết định nhờ đến luật sư.
Câu trả lời của luật sư cho thấy, khi chồng bà Bún chết, vì không để lại di chúc hợp pháp để định đoạt phần di sản của mình là một nửa căn nhà, nên nửa căn nhà đó sẽ được chia theo luật cho hàng thừa kế thứ nhất là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Nửa căn nhà phần tài sản của bà Bún cũng được chia tương tự, nếu như bà không có di chúc hợp pháp nào khác. Luật sư cũng khẳng định, theo luật người con dâu trưởng của bà không có quyền thừa kế tài sản từ vợ chồng bà, cho dù trong mắt bà Bún người con dâu này còn xứng đáng hơn con đẻ. Ý định để tài sản lại cho con dâu của bà Bún đành phải gác lại khi câu chuyện này đến tai ông trưởng tộc và bà bị họ tộc phê bình là “ngược đời”.
Luật bắc cầu yêu thương và công bằng
Thế gian rất rộng, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thế nên, chuyện bố mẹ chồng, bố mẹ vợ mong muốn để lại tài sản cho người con dâu, con rể yêu thương họ như cha mẹ đẻ cũng là lẽ thường tình.
Người Việt Nam quan niệm “dâu con, rể khách” với suy nghĩ con dâu là con trong nhà, trân quý con rể như khách đến chơi nhà. Nhưng quan niệm đó cũng chỉ dừng lại ở “ngưỡng cửa” trách nhiệm và trong ứng xử hàng ngày. Còn một khi đã liên quan đến vấn đề tài sản, thừa kế, thì cả dâu lẫn rể đều là “khách lạ” chỉ đứng xa mà nhìn vào, cho dù, trong đời sống hàng ngày, họ hiếu thảo với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ hơn cả con đẻ.
Về mặt pháp luật, tuy rằng con dâu, con rể không xuất hiện trong bất kỳ hàng thừa kế nào, nhưng luật cũng công nhận những bản di chúc hợp pháp, để từ đó những ông bố bà mẹ vợ/chồng có thể tỏ lòng yêu thương dâu, rể của mình.
Tuy nhiên, đến lúc này họ lại vấp phải sự phản đối của gia đình, dòng tộc như câu chuyện của bà Bún nói trên. Phải chăng đây là sự bất công, sự mất nhân văn trong cách đối xử giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, mà pháp luật cần lưu ý tới?.
Tại bản dự thảo Luật HNGĐ lấy ý kiến rộng rãi ngày, có Điều 46b quy định về nghĩa vụ và quyền của con dâu, con rể, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng. Theo đó, trong trường hợp sống chung, con dâu, con rể, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu chung của gia đình; tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của mình và gia đình; được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
Và khi, giữa con dâu, con rể và bố mẹ chồng, bố mẹ vợ đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như cha mẹ và con thì được thừa kế di sản của nhau như giữa cha mẹ và con.
“Đây là một vấn đề hoàn toàn mới chưa hề được thể hiện trong các đạo luật về HNGĐ đã qua cũng như hiện hành. Nó thể hiện tính nhân văn của con người, nhằm duy trì và kết nối tình yêu thương trong gia đình – hạt nhân của xã hội. Mặt khác, vì điều này cũng liên quan đến tài sản nên chắc rằng khi có hiệu lực, nó sẽ nhận được nhiều lời phản hồi, kể cả “ném đá” từ những đối tượng chịu sự điều chỉnh. Tiếc rằng, hiện giờ, kể cả giới truyền thông, lẫn các ban ngành có liên quan, dư luận xã hội lại quá sa đà vào những vấn đề mang tính thiểu số hơn rất nhiều trong gia đình như: hôn nhân đồng tính, mang thai hộ… mà lãng quên trách nhiệm góp ý kiến của mình”, một chuyên gia pháp lý xin được giấu tên nói. |
Theo Hồng Minh (Pháp luật Việt Nam)