Chuyện của những người đi hòa giải
Trong bảo vệ an ninh cơ sở, công an phụ trách xã, phường là lực lượng bám dân, nắm chắc mọi di, biến động trên địa bàn, tham mưu với cấp trên các biện pháp bảo vệ an ninh thích hợp, giải quyết rất nhiều những mâu thuẫn lớn, nhỏ trong cuộc sống người dân, làm công tác hòa giải.
Ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có khu vực chân cầu Long Biên, giáp sông Hồng với chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội lẫn bến xe khách… nên công tác an ninh ở đây rất phức tạp. Do vậy, công việc của những người làm công tác hòa giải ở đây cũng chẳng dễ dàng gì. Các anh từng nhiều phen “dở khóc dở cười” khi làm công tác hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn gọi là nhỏ nhưng thực tế lại chẳng hề nhỏ chút nào…
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương và anh Trần Minh Thanh là những người lao động từ nơi khác về Hà Nội trú ngụ. Cũng như không ít cặp vợ chồng khác, tình cảm của họ cũng có lúc yêu thương rồi hờn giận như cơm bữa. Hôm ấy, vào lúc nửa đêm về sáng, đúng vào ca trực của trưởng công an phường, khi anh đang định tranh thủ chợp mắt sau một vòng tuần tra thì có tiếng ồn ào ngoài cửa.
Anh Trần Minh Thanh xuất hiện với khuôn mặt thảm hại, áo quần xộc xệch. Mới nghe hỏi lý do, anh Thanh đã trình bày, kể lể hết sức đau khổ và tha thiết nhờ các anh công an “cứu giúp”. Chẳng là anh ta đi làm cả ngày, công việc phu hồ vất vả, quần quật, chỉ có buổi tối là rảnh rang bên vợ con. Thế mà muốn được “chiều” một tí lại luôn bị vợ từ chối với đủ lý do.
Hôm nay cũng thế, mất điện, chẳng xem được ti vi, anh động vào người vợ liền bị vợ cáu kỉnh hất tay ra. Thế là hai vợ chồng cãi nhau, rồi chị vợ không biết đã bỏ đi đâu. Không ngủ được, anh ta liền chạy đến nhờ công an phường đi tìm vợ giúp và nói hộ với vợ điều anh ta … muốn! Trưởng công an phường đành lấy tư cách đàn ông nói chuyện với đàn ông để phân tích cho anh ta những điều cần biết và phải làm, chứ không nên làm ầm ĩ “chuyện thầm kín” trong nhà như thế, tránh để “cái sảy nảy cái ung”.
Nói về công việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở, anh trưởng công an phường cười, giọng đầy “tâm trạng” nói với chúng tôi rằng: “Nhiều người cứ nghĩ, công an là có quyền can thiệp vào tất cả mọi việc, kể cả chuyện riêng tư, thầm kín của vợ chồng họ nên chuyện gì cũng nhờ đến công an giải quyết. Mà chuyện vợ chồng, nay giận mai thương là “chuyện thường ngày ở huyện”, nên nhiều khi khiến chúng tôi rất lúng túng và khó xử …”.
Để hòa giải được phải là người hiểu chuyện
Anh trưởng công an phường chia sẻ rằng, khi nhận được thông tin có một vụ mâu thuẫn xảy ra, những người làm công tác hòa giải không thể tự nhiên nhảy vào mà bắt người ta phải làm thế này, thế kia. Có khi sự hòa giải đó chỉ tiếp thêm dầu cho “cơn cháy” của những người trong cuộc.
Anh cũng nói thêm: “Mọi người có biết vì sao chúng ta không bao giờ có thể xóa hết những mâu thuẫn trong cuộc sống không? Vì mỗi người đều có những lợi ích riêng của mình, họ không muốn ai chiếm đoạt lợi ích hay làm tổn hại đến nó. Người khác cũng vậy, nếu người nào đó vì tham lam mà muốn có thêm những thứ khác thì mâu thuẫn sẽ diễn ra”.
Nếu người hòa giải không biết được nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, họ sẽ không giải quyết được nó! Thế nên, nếu là người hòa giải, người đó phải dành thời gian nghiên cứu những mong muốn của hai bên, và vì sao họ lại muốn như thế. Sau đó, hãy dành thời gian để hai bên gặp gỡ và cùng trao đổi những điểm họ cảm thấy chưa hài lòng. Nếu bên kia nhường một bước thì người hòa giải cũng khuyên bên này nên lùi một bước để có thể đạt được sự đồng thuận.
Trong trường hợp cả hai bên cùng không tìm được tiếng nói chung thì người hòa giải hãy phân tích cho họ thấy được cái hơn và thiệt nếu cả hai cùng đạt được sự đồng thuận! Có như vậy cả hai bên mới hiểu nhau hơn và chấp nhận yêu cầu của nhau. Để trở thành một người hòa giải xuất sắc, quan trọng không phải là người đó có thể nói hay hay không, mà phải là nói có thuyết phục hay không. Nếu chỉ nói hay như diễn thuyết mà không phân tích cho người trong cuộc thấy được lợi ích của việc hòa giải, thì người đi hòa giải sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được họ ký vào bản cam kết.
Giống như một chuyên gia hòa giải trong các vụ ly hôn, mâu thuẫn gia đình, điều quan trọng không phải là kéo họ về với nhau mà là làm cho họ hiểu được tính cách, thói quen, sở thích và những điều khác biệt khác, để từ đó họ hiểu nhau và chấp nhận nhau. Nếu cứ khăng khăng kéo họ về với nhau mà không làm cho họ hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, cảm thông cho nhau thì họ sẽ trở về như trước đây.
Kết quả của cuộc hòa giải rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc làm cho hai bên hiểu nhau hơn. Thế nên đừng vì kết quả mà cố gắng để họ ký kết vào văn bản chung. Hãy để họ hiểu và tự mình đồng thuận để duy trì mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp hơn.
Lần khác, cũng tại phường, lại có một chị đến trình báo và nhờ các đồng chí công an can thiệp chuyện “nội bộ” của vợ chồng chị. Chị bảo, suốt ngày quần quật bốc hàng, gánh hàng rất vất vả, về đến nhà lại lăn ra chăm sóc 2 đứa con nhỏ nên luôn mệt mỏi và căng thẳng, hễ có thời gian là chỉ muốn nghỉ ngơi, chứ chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện khác.
Thế nhưng, anh chồng trẻ đang “sức dài vai rộng”, đêm nào cũng đòi chuyện “yêu đương”, nếu không được vợ đáp ứng, lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Có hôm, vợ nằm quay mặt vào tường ngủ, “đòi” vợ không được, anh chồng liền quát tháo ầm ĩ, rằng vợ “không cho chồng thì giữ để làm … cave à?”. Vì thế, chị đến nhờ các anh công an phường về nhà mình để … giải quyết hộ! Trong trường hợp này, can thiệp thế nào đây? Chẳng lẽ lại bảo anh chồng không được “làm gì” vợ anh ta? Nhưng cũng không thể bỏ mặc người phụ nữ tội nghiệp cứ một mực tin rằng công an có quyền “bắt” chồng chị phải chấp hành.
Anh trưởng công an phường đã tìm đến tận nhà chị này, gặp người chồng của chị rồi thân tình khuyên nhủ phải trái, thiệt hơn, để anh chồng chăm sóc vợ con tốt hơn, tự giác “tiết chế” tình cảm với vợ thay vì “cưỡng chế” chuyện tình cảm yêu thương.
Anh chia sẻ rằng, công tác hòa giải có hiệu quả sẽ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện cáo lên tòa án, cơ quan hành chính cấp trên, giảm bớt việc giải quyết đơn thư khiếu kiện không cần thiết, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Và để giải quyết được mâu thuẫn, trước hết người hòa giải luôn phải biết mâu thuẫn đó là gì, tại sao lại xảy ra mâu thuẫn, và ý kiến của những người trong cuộc là như thế nào. Có như vậy, mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết trọn vẹn …
BTV