Hành vi táo tợn
Ngày 5/1, Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đang tạm giữ Hoàng Văn Duy (SN 1988) và Hoàng Văn Phong (SN 1982, cùng quê tỉnh Hải Dương) để điều tra làm rõ những hành vi liên quan đến việc cho vay tín dụng đen, uy hiếp người vay.
Theo hồ sơ ban đầu, vào cuối tháng 12/2018, chị H. (ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đã đến Công an huyện Dầu Tiếng trình báo về việc mình bị uy hiếp đòi nợ vì lỡ vay tiền của một nhóm tín dụng đen.
Theo trình bày của chị H., do cần tiền để xử lý công việc, chị đã tìm đến Duy và Phong vay số tiền 10 triệu đồng, trả góp trong vòng 25 ngày, mỗi ngày phải trả gốc lẫn lãi là 500.000 đồng. Tổng số gốc lãi sau gần 1 tháng lên đến 12,5 triệu đồng.
Do kinh tế khó khăn nên chị H. không thể trả nợ đúng hẹn. Vì vậy, đối tượng Duy và Phong đã liên tục gọi điện và tìm đến chị H. đe hoa, uy hiếp nếu không trả nợ sẽ bị nhóm này “xử” đẹp”. Quá lo lắng, chị H. nhanh chóng trình báo sự việc lên cơ quan công an.
Nhận tin báo, Công an huyện Dầu Tiếng đã mời Phong và Duy lên làm việc. Qua điều tra, công an phát hiện trong tháng 12/2018, khoảng 20 trường hợp vay tiền của 2 người trên với số tiền dao động từ 5 đến 100 triệu đồng với lãi suất tương tự. Cả hai đã thu lợi bất chính với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay, loại hình tín dụng đen hoạt động khá phức tạp và khó kiểm soát. Những người tìm đến tín dụng đen chủ yếu là công nhân, những người kẹt tiền xử lý công việc, nhưng lại không có khả năng để trả nợ.
Chỉ với việc cung cấp giấy chứng mình nhân dân, hộ khẩu, sổ tạm trú (KT3) là có thể vay tiền. Ban đầu, các đối tượng cho vay sẽ dùng những lời lẽ có cánh để “con nợ” tin và được vay tiền một cách nhanh nhất. Nhưng số tiền gốc và tiền lãi được cộng dồn từng ngày sẽ cao thêm, trong khi đã không có điều kiện nên người dân mới đi vay tiền, thì khó mà có tiền trả lãi lẫn gốc.
Người dân cần thận trọng
Theo Công an tỉnh Bình Dương, trong năm 2018, đơn vị này đã tổ chức triệt phá nhiều tụ điểm “tín dụng đen”, khởi tố điều tra 7 nhóm, 23 đối tượng về các tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như: Cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…
Điển hình trong việc trấn áp tội phạm tín dụng đen, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương từng triệt phá một băng nhóm “núp” dưới hình thức công ty TNHH Nhất Tín có 3 chi nhánh ở thị xã Dĩ An do Võ Văn Dương (ngụ xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) là quản lý chi nhánh Nhất Tín.
Theo đó, các đối tượng làm việc trong công ty TNHH Nhất Tín đã thành lập nhiều chi nhánh tại các khu vực có đông công nhân làm việc, sinh sống, thuộc khu công nghiệp tại thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An, TP.Thủ Dầu Một. Sau đó, quảng bá tờ rơi với việc cho vay nhanh chóng, thủ tục gọn nhẹ lãi suất thấp.
Nhưng sau khi người tiêu dùng vay xong, nhóm này sẽ áp dụng các hình thức thu nợ, tăng lãi khiến người vay không kịp trả. Đến lúc “con nợ” không có khả năng chi trả, nhóm người của Nhất Tín đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: “Tỉnh Bình Dương hiện có lượng công nhân sinh sống và làm việc khá lớn, đây là đối tượng dễ bị tội phạm “tín dụng đen” nhắm tới. Nhằm chủ động đấu tranh loại tội phạm này, đặc biệt là trong đối tượng công nhân, ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công nhân về tác hại của tội phạm “tín dụng đen”. Song song đó, công an các địa phương, đơn vị vận động công nhân mạnh dạn cung cấp thông tin tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội nhằm từng bước triệt xóa tội phạm “tín dụng đen”.
Giết người vì thu hồi nợ không được
Trong năm 2018, trên địa bàn TP.HCM nổi trội vụ án giết người vì đòi nợ không thành. Cụ thể, bà Võ Ngọc O. (57 tuổi, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) do khó khăn về tài chính nên bà có liên lạc với một nhóm tín dụng đen đặt vấn đề vay tiền. Với nhiều lời hứa ngon ngọt rằng lãi suất thấp và giãn thời gian trả tiền để không gây căng thẳng tài chính, vì vậy bà O. quyết định vay một khoản.
Thời gian đầu, việc trả góp diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bà O. không có khả năng chi trả nên nhóm tín dụng đen ban đầu thì nhắn tin, sau đó tìm đến tận nhà gây áp lực, đòi nợ. Vào chiều 8/11, nhóm này đến nhà đòi nợ nhưng không thành, sau đó xảy ra xô xát với nạn nhân. Vụ việc khiến con trai của bà O. là anh Võ Thanh Q. (SN 1989) bị đánh dẫn đến tử vong.
Trong cuộc thảo luận kỳ họp HĐND TP.HCM vào đầu tháng 12/2018, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã phát biểu về hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Ông Phan Anh Minh cho biết, trong năm 2018, lực lượng Công an TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 60 nhóm cho vay nặng lãi với hơn 320 đối tượng vi phạm. Sau các vụ án nổi cộm, Công an TP.HCM đã tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt chẽ tình hình cho vay tín dụng, tránh để các tình trạng xấu xảy ra.