Bắt đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng

Bắt đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng

Nguyễn Văn Khánh

Nguyễn Văn Khánh

Thứ 3, 14/05/2024 20:25

Bằng hình thức quảng cáo bán xe, bán cây cảnh, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp các tỉnh, thành với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Ngày 14/5, thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Tây Ninh cho biết, đơn vị vừa phối hợp Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hữu Phước (SN 1982, ngụ ấp Bưng Rò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành), là chủ tài khoản Facebook “nguyễn phước” về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

An ninh - Hình sự - Bắt đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng

Đối tượng Nguyễn Hữu Phước tại cơ quan công an. (Ảnh: CACC).

Qua điều tra xác định, đối tượng Phước sử dụng tài khoản Facebook “nguyễn phước”, tải hình ảnh xe máy, chim cảnh trên mạng để đăng vào tài khoản Facebook cá nhân, các hội, nhóm cùng những lời quảng cáo bán xe, bán chim cảnh trên mạng xã hội với giá từ 2 triệu đến 40 triệu đồng.

Khi có người nhắn tin hỏi mua xe, Phước viện lý do phải lấy xe ở Campuchia về nên đề nghị người mua đặt cọc trước số tiền từ 10% đến 20% giá trị xe.

Khi người mua chuyển tiền đặt cọc, Phước tiếp tục đưa ra nhiều lý do như: chi phí vận chuyển, phí làm giấy tờ, xe đang về,... để yêu cầu người mua chuyển thêm tiền, sau đó chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền.

Với thủ đoạn trên, Phước đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp các tỉnh, thành với số tiền trên 9 tỷ đồng. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.

Kiểm tra thông tin khi mua bán trên mạng

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Minh Đăng, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp…

Đặc biệt, trong thời gian qua, lợi dụng tình hình người dân sử ldụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Tùy vào mức độ của hành vi, mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định mức xử phạt như sau đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này”. Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đến 02 triệu, đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp này sẽ là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…”.

Mức hình phạt cao nhất đối với đối tượng vi phạm là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để phòng tránh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, trước tiên khi mua hàng qua mạng, người dân cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch.

Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Đồng thời, không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm, ứng dụng tin cậy.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. 

 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.