Bất động sản đại hạ giá hay chiêu bài đánh bóng tên tuổi?

Bất động sản đại hạ giá hay chiêu bài đánh bóng tên tuổi?

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Sự kiện chủ đầu tư dự án Đại Thanh (Hà Nội) chào bán căn hộ với giá chỉ... 10 triệu đồng/m2 đã khiến thị trường BĐS thủ đô "rúng động". Sau một thời gian dài "ôm hàng", cố thủ giá để tính "ăn quả đậm", chủ đầu tư Đại Thanh đã quyết định đi tiên phong khi hạ giá căn hộ xuống thấp kỷ lục nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, theo lý giải của các chuyên gia, động thái này chẳng khác gì "phá bĩnh" đối với thị trường, thậm chí là chiêu bài đánh bóng tên tuổi giữa thời điểm BĐS đóng băng?

Hạ giá sốc hay chiêu PR?

Những ngày qua, câu chuyện tuyên bố giảm giá "sốc" của chủ dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã trở thành tâm điểm của dư luận. Từ những "đại gia" BĐS, những chuyên gia lâu năm đến giới đầu cơ, "cò" nhà đất và người dân đều xôn xao. Chỉ cần một động tác tìm kiếm trên công cụ Google đã đủ thấy sức lan tỏa bão táp của thông tin này.

Sau chưa đầy 2 giây, công cụ tìm kiếm Google đã cho chúng ta hơn 20 triệu kết quả liên quan đến cụm từ "Chung cư Đại Thanh giá 10 triệu đồng/m2". Hàng trăm ý kiến, hàng nghìn phản hồi được đưa ra tranh luận để tìm căn nguyên của đợt hạ giá "cực sốc" này. Theo một thống kê trên trang vatgia.com, có đến 66,67% ý kiến cho rằng không nên mua chung cư Đại Thanh, chỉ có 33,33% ủng hộ.

Bất động sản - Bất động sản đại hạ giá hay chiêu bài đánh bóng tên tuổi?

Thị trường BĐS vẫn chưa thể thoát cơn bĩ cực

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Thành Đô, một kỹ sư xây dựng đang có nhu cầu mua nhà ở, cho biết: "Tôi là một người làm công ăn lương theo đúng nghĩa và đang có nhu cầu thực về nhà ở. Sau nhiều năm đi làm, dành dụm chắt chiu cho đến giờ mới có được số tiền đủ để mua 1/2 căn hộ chung cư ở Đại Thanh. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng mình góp vốn với chủ đầu tư theo tiến độ trong 2 năm để mua nhà là hợp lý. Tôi đã theo dõi mọi thông tin về Đại Thanh ngay từ khi còn chưa mở bán bất cứ tòa nhà nào. Khi tòa A bắt đầu đưa ra bán những căn hộ đầu tiên đã có rất nhiều sàn BĐS gọi điện thông báo cho tôi: Bán giá gốc + chênh khoảng 10 triệu đồng/1 căn. Lúc đó tôi hơi băn khoăn, trả thêm 10 triệu đồng đối với cả 1 căn nhà không phải lớn, nhưng đối với 1 người làm công ăn lương như tôi cũng cần cân nhắc.

Nhưng quả thực, khi đến các sàn mới thấy rằng việc mua bán chung cư Đại Thanh còn lộn xộn hơn cả một cái chợ. Giá được đội lên theo giờ, căn hộ tôi chọn cũng được rất nhiều người chọn và tôi phải "quyết" rất nhanh (thậm chí là phải mua theo kiểu giành giật). Tuy nhiên vài ngày sau, các sàn thông báo cho tôi đã hết hàng".

Cũng theo lời kể của anh Đô, anh tiếp tục đợi thông tin của tòa B. Tòa B ngay từ khi rao bán những căn hộ đầu tiên đã có giá chênh từ 30-50triệu/đồng1 căn. "Tôi cực kỳ thắc mắc về giá chênh cao chót vót này. Thực sự khi hỏi mua tòa A tôi vẫn nghĩ giá chênh là do các sàn BĐS đẩy lên, nhưng đến tòa B, tôi mới vỡ lẽ, chính các sàn khi nhập về cũng có giá chênh này rồi. Tự dưng tôi có cảm giác chán, không còn muốn hình dung ra 2 năm sau gia đình mình sẽ có một căn hộ như thế nào trong khu đô thị Đại Thanh nữa. Cả một buổi chiều tôi ngồi tại sàn, có khá đông khách đến hỏi, cũng đặt chỗ, nhưng khách mua thực không nhiều, có người đã đến lấy tiền đặt chỗ về. Giấc mơ có một căn hộ nhỏ cho gia đình riêng của mình đối với vợ chồng tôi có lẽ vẫn còn rất xa vời", anh Đô chua chát.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Thanh Thản, GĐ Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, Chủ đầu tư dự án Đại Thanh cho biết, chung cư giá 10 triệu đồng chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân viên của công ty và đã hết từ lâu rồi. Hiện chỉ còn căn hộ giá từ 12 - 13 triệu đồng/m2, diện tích từ 55m2 trở lên. Lý giải cho việc mở bán đại trà các căn hộ giá 10 triệu đồng/m2, ông Thản cho hay, sau khi mở bán giới hạn cho nhân viên, thấy nhu cầu của khách hàng lớn nên chủ đầu tư quyết định bán cho khách hàng ngoài công ty. "Tất cả khách hàng đã đăng ký mua căn hộ trước đó cũng sẽ được giảm mức giá về 10 triệu đồng/m2 với điều kiện là có diện tích tương đương với các căn mở bán đợt này. Tiến độ đóng tiền vẫn sẽ chia làm 5 đợt, đợt 1 đóng 20% giá trị hợp đồng. Đây là mức giá rẻ nhất mà công ty có thể giảm, song vẫn đảm bảo một mức lãi nhất định cho chủ đầu tư", ông Thản khẳng định.

Bất động sản - Bất động sản đại hạ giá hay chiêu bài đánh bóng tên tuổi? (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

"Phá giá" để đánh đắm thị trường?

Cơn sốt Đại Thanh còn chưa kịp nguội, hàng loạt doanh nghiệp cũng vào cuộc giảm giá để giành giật khách hàng bằng cách trực tiếp giảm giá hoặc tăng khuyến mãi chiết khấu. Mới đây, dự án Westa cũng giảm giá xuống còn 17 triêụđồng/m2 và quảng cáo theo chiêu "độc" như treo lên cột điện, lên cành cây hoặc cột đèn đỏ để gây sự chú ý.

Mổ xẻ cho cơn sốt đại hạ giá này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn Cầu khẳng định, doanh nghiệp không thể nào làm dự án mà bán ra với giá 8 - 10 triệu đồng/m2 được. Nếu nhà được bán với giá đó chỉ có thể là doanh nghiệp ăn bớt nguyên, vật liệu. Đề cập đến trường hợp của Đại Thanh, ông Hiệp không ngần ngại cho rằng, ngay cả khi chủ dự án Đại Thanh sử dụng các vật liệu rẻ tiền, thang máy giá bằng một nửa thì cộng các chi phí vào cũng phải ở tầm 12 triệu đồng/m2. "Không hiểu sao căn hộ Đại Thanh lại được bán với giá 10 triệu đồng?", ông Hiệp thắc mắc.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Châu Phong, phó TGĐ Vinaconex cho rằng, việc giảm giá cực mạnh này chứng tỏ một số nhà đầu tư đã không đủ kiên nhẫn với thị trường, tìm cách thoát ra bằng cách phá giá căn hộ. Ông Phong nhận định, việc bán phá giá căn hộ vừa qua đã khiến cho người dân, đặc biệt là những người đã và đang có ý định mua nhà thu nhập thấp có sự so sánh về giá. Bởi lẽ, từ khi khởi động đến nay, giá nhà thu nhập thấp tại Hà Nội cũng đang ở mức trên dưới 10 triệu đồng/m2. Không những thế, nhà thu nhập thấp lại ở vị trí xa trung tâm, các điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Chắc chắn sẽ có sự so sánh về lợi ích ở đây, trong khi cũng ngần ấy tiền, khách hàng có thể lựa chọn dự án nhà ở thương mại theo ý thích của mình.

Đại diện Vinaconex cũng cho biết sẽ kiến nghị trực tiếp với Bộ Xây dựng rằng, cơ quan quản lý phải vào cuộc để kiểm tra thực hư thế nào, đặc biệt là phải có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp bất động sản khác. Đừng vì muốn thoát khỏi khó khăn mà "đánh đắm" thị trường BĐS.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, có thể làm được chung cư giá từ 8 đến 10 triệu đồng/m2, nhưng trong điều kiện được Nhà nước cấp đất sạch. Không những thế, các doanh nghiệp cũng phải áp dụng công nghệ hiện đại cũng như nguyên vật liệu tiết kiệm. Trên lý thuyết là vậy, nhưng ngay cả nhà dành cho người thu nhập thấp cũng chưa đạt đến mức giá đó.

Theo quan điểm của TS Liêm, thị trường BĐS vốn đã còn nhiều điều thiếu minh bạch, nay các doanh nghiệp dù đang ngấp nghé phá sản vẫn mong muốn kiếm lãi nhiều từ các dự án thì đó là một điều hoang tưởng. "Tôi quan sát thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần họ rất linh động trong việc tự gỡ khó cho mình, trong khi không ít các doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn bình chân như vại. Thiết nghĩ nên san sẻ quyền lợi với người dân chứ không nên chỉ khư khư với mục tiêu siêu lợi nhuận", TS Liêm nhấn mạnh.

Giá bán thấp, vẫn có lãi!?

Bộ Xây dựng cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan giám định chất lượng công trình xây dựng kiểm tra thực tế tại dự án Đại Thanh. Đặc biệt, sau khi chủ đầu tư dự án Đại Thanh khẳng định, giá bán thấp như vậy, song doanh nghiệp này vẫn có lãi, một số cơ quan thuế, tài nguyên của Hà Nội cho biết cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp này. Cùng với đó sẽ tiến hành phân tích, mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá sản phẩm căn hộ tại dự án Đại Thanh. UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, sắp tới sẽ cho kiểm tra việc thông tin bán phá giá căn hộ tại một số dự án.

Anh Văn - Phạm Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.